Không quá vội vã với 4G nhưng Việt Nam cần sớm chuẩn bị

Cập nhật: 04-03-2014 | 00:00:00
Giới công nghệ cho rằng mạng 3G tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, tuy nhiên Việt Nam nên chuẩn bị các bước tiếp theo để triển khai 4G.

Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, trong năm 2014, công nghệ 4G sẽ bùng nổ trên thế giới, đặc biệt là thị trường lớn là Trung Quốc. Hiện nay đã có 95 quốc gia trên thế giới và gần 250 nhà mạng đã triển khai 4G. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần thêm thời gian để triển khai mạng công nghệ không dây tốc độ cao này.

Trả lời phỏng vấn, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào, Campuchia, cho rằng, mặc dù 2014 là năm bùng nổ của công nghệ 4G trên toàn thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam, thời điểm thích hợp nhất để triển khai mạng 4G là năm 2015. Ông Nam cho rằng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, sau 2015, Việt Nam mới xem xét triển khai cấp phép công nghệ 4G và các thế hệ tiếp theo trên cơ sở đấu giá, thi tuyển là quyết định khôn ngoan và rất thích hợp ở nhiều phương diện và quan trọng nhất đó là về thiết bị đầu cuối. Các nhà mạng phải có một bài toán kinh doanh bởi khi muốn đầu tư một công nghệ nào đó thì họ sẽ luôn quan tâm đến người dùng. Do đó, giá thành của thiết bị sử dụng là một yếu tố quan trọng khi triển khai 4G. Giá thành hợp lý thì sẽ có nhiều người sử dụng.

 Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào, Campuchia.

“Việt Nam triển khai như vậy là không quá muộn, mình đi tắt đón đầu. Như 3G, Việt Nam đã phát triển theo một lộ trình thông minh, đặc biệt đã có rất nhiều nước lấy hình mẫu Việt Nam để triển khai công nghệ 3G tại nước họ”, ông Nam đánh giá.

Qualcomm cho rằng 3G tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, và hãng này đã cùng với các nhà mạng, và các hãng sản xuất thiết bị tổ chức chương trình Bus Tour tới 30 tỉnh thành. Hành trình này được khởi động từ tháng 11-2013 với mục đích đưa 3G đến với các tỉnh vùng xa, không chỉ riêng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, theo ông Nam, Việt Nam nên chuẩn bị các bước tiếp theo để triển khai 4G. “Chúng ta nên xem xét các xu hướng trên thế giới bởi những xu hướng phổ biến sẽ ảnh hưởng đến mình. Khi thế giới phát triển mạnh thì giá thành của thiết bị sẽ giảm xuống. Đấy là điều thuận lợi”.

Về quy hoạch băng tần cho 4G, ông Nam cho hay băng tần không có khái niệm băng tần tốt hay băng tần xấu, mà chỉ là băng tần hài hòa, phổ biến. Nếu Việt Nam quy hoạch được băng tần hài hòa thì người tiêu dùng hưởng lợi, đó là thiết bị sẽ phổ biến và rất rẻ. Nhà mạng cũng hưởng lợi vì họ triển khai ở băng tần mà rất nhiều các nước khác triển khai, lúc đó người dùng có thể roaming ở bất kỳ nước ngoài.

Ông Nam cho rằng trở ngại trong việc quy hoạch băng tần 4G là trong khi 3G chỉ có 3-4 băng tần thì 4G có đến hàng chục băng tần, thế nên quy hoạch băng tần 4G tại Việt Nam cũng là bài học lớn đối với Chính phủ. “Qualcomm thường xuyên tư vấn, cập nhật xu hướng băng tần 4G cho Chính phủ Việt Nam để khi đến thời điểm quyết định thì hy vọng lựa chọn của Chính phủ sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho người dùng Việt Nam, tức là chọn được công nghệ hài hòa”.

Ông Nam cũng nhấn mạnh về khó khăn của Việt Nam khi triển khai 4G. Theo ông, cái quan trọng là làm thế nào để các nhà mạng triển khai 4G hiệu quả, kinh doanh tốt. Mặc dù thiết bị đầu cuối thì đã sẵn sàng nhưng quan trọng là mô hình kinh doanh của các nhà mạng bởi dù đưa ra 4G thì 3G vẫn phải hoạt động. Do đó, cần xây dựng gói cước riêng cho 4G bởi chăc chắn cước 4G sẽ cao hơn mạng 3G.

Trước đó, Quan điểm của Bộ Thông tin & Truyền thông là mạng 3G vẫn chưa được khai thác hết công suất, do đó việc đẩy sớm thời gian cấp phép 4G là không cần thiết. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ 3G tại Việt Nam là một vấn đề đã được nhắc tới nhiều trong thời gian qua bởi sóng chập chờn, chất lượng sóng trong nhà (in-door) yếu hơn rất nhiều so với ngoài trời. Ông Nam cho rằng để tăng chất lượng 3G, trong năm nay, Việt Nam nên sớm triển khai Công nghệ truy nhập gói đường truyền tốc độ cao hai sóng mang (Dual-Carrier) để đưa tốc độ 3G tăng gấp đôi. Được biết, các nhà mạng sẽ triển khai hai sóng mang trong năm nay tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Một giải pháp thứ hai có thể giúp cải thiện chất lượng sóng 3G trong nhà là các nhà mạng nên xây dựng các trạm phát sóng nhỏ (Small Cells) đặt tại nhà, các cột điện, văn phòng hay các trung tâm thương mại để những thiết bị chỉ nhỏ bằng một chiếc modem Wi-Fi kết hợp cùng với các trạm phát sóng lớn đã được lắp đặt trên các toà nhà, cao ốc hay các trụ phát của nhà mạng, từ đó sẽ truyền sóng 3G xuyên tường đến các toà nhà, khách sạn.

Theo Dân trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên