Làm gì để dịch heo tai xanh không bùng phát trở lại?

Cập nhật: 24-09-2010 | 00:00:00
Đến thời điểm hiện nay, bệnh heo tai xanh (HTX) trên địa bàn Bình Dương đang bước vào giai đoạn cuối, tại nhiều địa phương đang có chiều hướng giảm. Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là đã rút ra được những bài học gì từ công tác phòng chống dịch bệnh và làm cách nào để dịch không bùng phát trở lại.

Bị động

Hiện tại, tình hình bệnh HTX trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng giảm tại 6/7 huyện, thị; riêng Bến Cát vẫn đang còn diễn biến phức tạp. Trong đợt dịch bệnh, đã có 70/91 xã có heo bệnh với 861 hộ; tổng số heo bị mắc bệnh là 19.397 con và đã tiêu hủy 10.662 con. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn vì đây là lần đầu tiên HTX bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh nên việc triển khai các biện pháp phòng chống còn rất lúng túng và các cơ quan hữu quan cũng như người dân còn rất bị động trong phòng chống dịch. Lực lượng thú y tại cơ sở còn mỏng, thiếu các phương tiện chuyên môn nên việc phát hiện, khai báo dịch còn chậm. Người chăn nuôi (NCN) vẫn chưa có ý thức cao trong phòng chống dịch bệnh. Khi phát hiện dịch bệnh, nhiều NCN và cán bộ thú y tự mua thuốc về điều trị nên không hiệu quả, đến khi không kiểm soát được tình hình mới báo cáo với cơ quan chuyên môn nên đã gây ra việc dịch bệnh lây lan nhanh, rộng.

  Xử lý dứt điểm chăn nuôi nhỏ lẻ là biện pháp căn cơ phòng dịch hiệu quả

Trong khi đó theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hiệu quả tiêm phòng loại vắc-xin cũ sử dụng trước đây chỉ có thể đạt từ 50 - 60%, nhiều người chăn nuôi cứ nghĩ tiêm phòng sẽ không bị nhiễm bệnh nên dẫn đến việc tỷ lệ heo nhiễm bệnh rất cao. Hiện nay, vấn đề còn băn khoăn là số tiền hỗ trợ cho lực lượng tiêu hủy heo chết còn thấp nên công tác tiêu hủy còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, phương tiện vận chuyển heo bị chết đi tiêu hủy còn thiếu và cũng chưa thuộc loại chuyên dụng nên nhiều NCN lo lắng việc chuyên chở này sẽ gieo rắc mầm bệnh cho các địa phương khác.

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ

Dịch bệnh hoành hành đã gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi cũng như ngành chăn nuôi của tỉnh. Đây là giai đoạn cuối của dịch nên các cơ quan chuyên môn cũng đang tập trung các biện pháp để dập tắt dịch triệt để, không để cho dịch bệnh bùng phát trở lại. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát lại dịch bệnh là khá cao khi mà công tác này còn nhiều bất cập. Có thể xác định thời gian qua dịch bệnh bùng phát mạnh là do tâm lý chủ quan của NCN trong đó nguồn gốc là từ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Hiện tại, các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ công tác điều trị heo bệnh vẫn đang được tích cực thực hiện, tuy nhiên vẫn có tình trạng heo chết lẻ tẻ, nhiều hộ chăn nuôi chờ cho heo chết mới tiêu hủy mà không tiêu hủy heo bệnh. Vấn đề đặt ra là liệu số lượng heo điều trị khỏi này có là mầm bệnh trong tương lai, năm sau nếu gặp điều kiện thuận lợi thì dịch lại tiếp tục bùng phát? Nếu tiêu hủy hết số heo bị bệnh sẽ gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, còn nếu không tiêu hủy thì vi-rút HTX sẽ vẫn tồn tại trong cộng đồng. Các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ lại không bảo đảm các yêu cầu cơ bản về quy trình chăn nuôi cũng như thực hiện đúng, đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Quy hoạch chăn nuôi tập trung, xử lý dứt điểm chăn nuôi nhỏ, lẻ chính là biện pháp căn cơ để phòng chống dịch HTX một cách hiệu quả nhất vì hiện nay chăn nuôi nhỏ, lẻ vẫn chiếm khoảng 50% tổng đàn heo của tỉnh.

Ngày 17-8, UBND tỉnh đã có quyết định số 2462/QĐ-UBND về việc ban hành định mức hỗ trợ cho NCN có gia súc bị tiêu hủy do dịch hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở heo trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó sẽ hỗ trợ cho NCN có heo bị tiêu hủy 25.000 đồng/kg heo hơi. Tuy nhiên hiện nay, công tác triển khai các chính sách hỗ trợ cho NCN còn chậm nên dẫn đến tình trạng NCN đã bán heo với giá thấp hơn giá hỗ trợ cho các thương lái. Chính tình trạng này cũng là một trong những nguyên nhân làm cho dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Ông Nguyễn Tấn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết: “Hiện nay, Phú Giáo đã thực hiện chi định mức hỗ trợ cho các hộ có heo bị tiêu hủy trên địa bàn huyện đạt 90%; tổng số hộ được hỗ trợ là 269 hộ, số heo bị tiêu hủy là 3.204 con, tổng số tiền hỗ trợ là hơn 2 tỷ 400 triệu đồng. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện thực hiện các biện pháp để phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất”. Phú Giáo là huyện duy nhất thực hiện tốt các chính sách chi trả hỗ trợ cho NCN, còn các huyện, thị khác công tác này còn rất chậm.

Theo khảo sát, hiện tình hình giết mổ lậu vẫn còn diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Việc hình thành các điểm giết mổ lậu thời gian qua cũng đã làm cho dịch bệnh lây lan nhanh. Trong khi đó, công tác kiểm soát là vô cùng khó khăn do các điểm giết mổ lậu thường di động rất khó phát hiện. Để có thể kiểm soát tốt dịch bệnh thì việc dẹp bỏ các điểm giết mổ lậu cần phải được thực hiện dứt điểm. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng cần phối hợp tốt với các địa phương khác trong việc phòng chống dịch bệnh bởi vì dịch bệnh lại có thể lây lan từ các địa phương khác đến.

Phát biểu trong buổi làm việc với UBND tỉnh vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần đề nghị tỉnh cần chỉ đạo thú y cơ sở phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính quyền địa phương xử lý dứt điểm các trường hợp dịch bệnh để phòng trị bệnh hiệu quả. Chăn nuôi sẽ là ngành chủ lực của nông nghiệp Bình Dương trong thời gian tới nên cần sắp xếp lại hệ thống chăn nuôi để đạt hiệu quả cao nhất và Bình Dương cũng cần xử lý dứt điểm chăn nuôi nhỏ, lẻ vì hiệu quả kinh tế không cao và là nguồn gây bệnh. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cũng đề nghị Bình Dương nên có kế hoạch dự trữ thịt heo trong thời gian tới vì hiện nay áp lực tiêu thụ thịt heo tại Bình Dương là rất lớn và sau khi hết dịch việc thiếu thịt heo chắc chắn sẽ xảy ra.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên