Lập lại trật tự kinh doanh phế liệu ở phường Dĩ An

Cập nhật: 26-12-2013 | 00:00:00

 Để từng bước đưa đô thị Dĩ An ngày càng xanh - sạch - đẹp và văn minh, hiện đại, bảo đảm khu dân cư không gây ô nhiễm môi trường, từ ngày 18-11 đến 16-12 vừa qua, Đoàn Kiểm tra Quyết định số 7466/QĐ-UBND ngày 5-11-2013 của Chủ tịch UBND TX.Dĩ An đã tiến hành kiểm tra thí điểm phường Dĩ An, nhằm từng bước lập lại trật tự kinh doanh phế liệu trên địa bàn TX.Dĩ An. 

 Điểm tập kết phế liệu ở cơ sở bà Lê Thị Ngà, khu phố Bình Minh, phường Dĩ An

  Nhiều tồn tại…

Phường Dĩ An hiện có 50 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (gọi tắt là đơn vị) kinh doanh phế liệu, trong đó có 4 công ty, 1 doanh nghiệp, 4 đơn vị đăng ký kinh doanh cá thể và 41 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh không phép. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Ngọ, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TX.Dĩ An, cho biết sở dĩ Đoàn Kiểm tra Quyết định số 7466 quyết định kiểm tra thí điểm tình hình kinh doanh phế liệu ở phường Dĩ An là do so với các địa bàn khác, đây là phường trung tâm có nhiều trục đường chính đi qua TX.Dĩ An. Từ khi hoạt động kinh doanh phế liệu phát sinh ngày càng nhiều, bên cạnh những lợi ích mang lại, hầu hết các khu dân cư có đơn vị kinh doanh phế liệu trú đóng đều bức xúc bởi ô nhiễm môi trường đang đe dọa đời sống của người dân.

Trước thực trạng đó, từ ngày 18- 11 đến 16-12 vừa qua, Đoàn Kiểm tra Quyết định số 7466 đã tiến hành kiểm tra và được biết, toàn phường Dĩ An chỉ còn 44 đơn vị đang hoạt động kinh doanh phế liệu. Khi hoạt động, hầu hết các đơn vị áp dụng phương thức thu gom phế liệu bằng cách thu mua lại từ các cá nhân thu gom nhỏ lẻ trên địa bàn, hoặc từ những xe tải chuyển hàng hóa dọc đường, sau đó phân loại, lưu trữ và xuất bán lại khi đơn vị có nhu cầu.

Để có mặt bằng hoạt động, phần lớn các đơn vị đã thuê mướn đất với diện tích khá nhỏ (50 - 500m2) được xây dựng tạm dạng nhà tiền chế với kết cấu cột sắt, mái tole, nền bê tông đủ lưu chứa phế liệu. Do suy nghĩ quá đơn giản, cho nên đa phần các công trình xây dựng hầu như không có giấy phép. Không chỉ thế, ông Ngọ còn cho biết khi kiểm tra đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế có 9 đơn vị có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng chỉ có 1 đơn vị hoạt động đúng hướng; 8 đơn vị còn lại kinh doanh không đúng ngành nghề hoặc không đúng địa điểm đăng ký; dù có trang bị bình phòng cháy chữa cháy chuyên dụng nhưng chưa bảo đảm an toàn và chưa bảo đảm môi trường, chẳng hạn như chưa lập hồ sơ bảo vệ môi trường, không có hợp đồng mua bán phế liệu, chưa hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom rác thải…

Cụ thể như Cơ sở thu mua phế liệu Lê Văn Việt ở D3/lô 22, 23 Khu dân cư Đại Nam hoạt động thu mua phế liệu (sắt vụn, giấy, nhôm, nhựa vụn...) từ năm 2011 đến nay, nhưng chưa lập giấy phép đăng ký kinh doanh và đến nay chưa lập hồ sơ bảo vệ môi trường. Đây là loại hình hoạt động phổ biến trên địa bàn, do diện tích là đất thuê, nhà xưởng xây dựng tạm bợ, không có giấy phép, tổ chức phân loại phế liệu tại địa điểm kinh doanh, phơi phóng phế liệu gây mất mỹ quan đô thị... sau khi kiểm tra, đoàn yêu cầu chủ cơ sở chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời đến địa điểm khác phù hợp với quy hoạch chung của TX.Dĩ An.

Từng bước lập lại trật tự kinh doanh phế liệu

Tuy nhiên, trên địa bàn phường Dĩ An vẫn có một số đơn vị kinh doanh phế liệu hoạt động khá tốt. DNTN Vũ Sương do ông Trần Minh Dũng làm chủ ở 26/17A, khu phố Thống Nhất 2 là một điển hình. Để hoạt động đúng hướng, doanh nghiệp đã lập cam kết bảo vệ môi trường số 1367/UBND-KT ngày 12-5-2011 của UBND thị xã cấp. Diện tích hoạt động khoảng 88m2, ông Dũng đã sử dụng làm địa điểm giao dịch kinh doanh mua phế liệu về địa điểm, sau đó chuyển trực tiếp cho các đơn vị thu gom, không lưu trữ tại đơn vị. Theo bà Quách Kim Oanh, Tổ trưởng Tổ môi trường thuộc Phòng TN&MT TX.Dĩ An thì đây là hình thức hoạt động cần khuyến khích vì không làm phát sinh ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan đô thị và không ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Trao đổi với chúng tôi, bà Oanh còn cho biết qua kiểm tra khảo sát, nhiều đơn vị kinh doanh phế liệu thống nhất với đoàn về chủ trương di dời của UBND TX.Dĩ An. Các đơn vị cho rằng điều này phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện đúng quy định, các đơn vị mong muốn các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi để di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vấn đề này và 3 nhóm giải pháp (yêu cầu di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề; yêu cầu di dời; các đơn vị có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế theo đúng quy định) đưa ra, chắc chắn việc lập lại trật tự kinh doanh phế liệu trên địa bàn phường Dĩ An sẽ được nhân rộng ở các địa phương khác.

  DUY - HIỀN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=560
Quay lên trên