Ngày 29-11-2013, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Đất đai năm 2013. Luật Đất đai năm 2013 gồm 14 chương, 212 điều (tăng 7 chương, 66 điều so với Luật Đất đai 2003). Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2014.
Luật Đất đai năm 2013 đã thể chế hóa đúng và đầy đủ những quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời khắc phục giải quyết được những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2003. Luật có một số điểm mới so với Luật Đất đai năm 2003.
Về công tác quản lý nhà nước về đất đai, như công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Luật Đất đai năm 2013 bỏ quy định lập, thẩm định, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp xã. Đồng thời, quy định phải lấy ý kiến nhân dân, trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất đối với tất cả các cấp nhằm tăng cường tính công khai, dân chủ.
Đối với công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Luật Đất đai năm 2013 quy định thu hẹp các trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất. Song song đó, quy định nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê; các trường hợp còn lại được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Luật còn quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư (năng lực tài chính, ký quỹ, không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai); đặc biệt đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng phải được Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh chấp thuận.
Đối với công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cụ thể về thu hồi đất, luật quy định chế tài để xử lý các trường hợp không đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; cho phép chậm tiến độ hơn so với quy định hiện hành 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng. Luật cũng đã quy định chi tiết về giá đất bồi thường; điều kiện được bồi thường; yêu cầu bảo đảm sinh kế cho người có đất thu hồi; xử lý đối với trường hợp chậm chi trả bồi thường do lỗi của cơ quan Nhà nước và do lỗi của người có đất thu hồi; quyền tham gia của người dân trong quá trình lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đề cập về công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, luật cũng quy định đăng ký đất đai đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý là bắt buộc. Luật quy định cụ thể hơn những trường hợp sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. “Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ”. Theo đó, luật cũng quy định cụ thể các trường hợp áp dụng bảng giá đất và các trường hợp UBND tỉnh quyết định giá đất cụ thể tại thời điểm định giá…
TOÀN THẮNG