Nhận biết và phòng ngừa bệnh phụ khoa

Cập nhật: 29-05-2014 | 00:00:00

Đó là chuyên đề nói chuyện của thạc sĩ, bác sĩ (Th.S-BS) Đặng Lê Dung Hạnh, Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) với đông đảo cán bộ nữ ngành giáo dục và cán bộ phụ nữ trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Dịp này, Th.S-BS Dung Hạnh đã chia sẻ với chị em phụ nữ nhiều kiến thức hữu ích về bệnh phụ khoa ở phụ nữ để chị em biết cách phòng ngừa bệnh và tự tin hơn trong cuộc sống…  

 Đông đảo chị em tham dự buổi nói chuyện của ThS-BS Đặng Lê Dung Hạnh

Đây là một trong những chương trình nằm trong chiến dịch khuyến khích phụ nữ cần chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân. Chương trình do công đoàn ngành giáo dục tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Thủ Dầu Một tổ chức. Hơn 300 giáo viên và cán bộ hội phụ nữ đã được giới thiệu, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, cách nhận biết, cách xử trí một số bệnh lý phụ khoa thường gặp.

Theo Th.S-BS Dung Hạnh, viêm nhiễm phụ khoa là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, hầu hết chị em phụ nữ đều mắc phải. Thống kê cho thấy, trên 75% phụ nữ đã từng mắc bệnh phụ khoa do nấm một lần trong đời. Bệnh phụ khoa gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, nếu để lây lan, lâu dài và không biết cách chăm sóc, điều trị đúng cách bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, hạnh phúc gia đình.

Nguyên nhân mắc bệnh phụ khoa được xác định là do vệ sinh vùng kín kém, không rửa vùng kín trước và sau khi quan hệ, trong kỳ kinh nguyệt, sử dụng băng vệ sinh kém chất lượng, không thay băng thường xuyên. Ngoài các nguyên nhân trên, bệnh phụ khoa có thể còn do tinh thần căng thẳng, stress kéo dài, sức đề kháng kém; mất cân bằng nội tiết tố (mang thai, mãn kinh, tiền mãn kinh); tiến hành các thủ thuật phụ khoa không an toàn (nạo phá thai, đặt vòng tránh thai); độ pH ở vùng kín >4,5 khiến cho vi khuẩn có hại phát triển mạnh hơn vi khuẩn có lợi gây bệnh viêm nhiễm; mặc quần lót chật, không thông thoáng, ẩm ướt; bị lây bệnh từ người khác... Vì thế, nếu không cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày, chị em rất dễ nhiễm bệnh phụ khoa.

Tỷ lệ viêm nhiễm bệnh phụ khoa ở phụ nữ rất cao, với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, chị em khi mắc bệnh phụ khoa thường ngại ngùng nên không đến cơ sở y tế khám và điều trị. Nếu để bệnh tiến triển, cuộc sống sinh hoạt sẽ rất khó chịu và có thể dẫn đến những biến chứng, như: viêm cổ tử cung, viêm vòi trứng có thể dẫn đến vô sinh, thậm chí là ung thư. Do bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ gần cơ quan bài tiết nên vùng âm hộ thường hay ẩm ướt, rất dễ bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn nếu không biết cách vệ sinh hàng ngày. Th.S-BS Dung Hạnh khuyến cáo, chị em phụ nữ nên tránh xa các nguyên nhân gây bệnh, quan tâm tìm hiểu các kiến thức liên quan đến các bệnh phụ khoa để biết cách chăm sóc, bảo vệ cho chính bản thân cũng như hạnh phúc gia đình. Việc vệ sinh vùng kín đúng cách và điều trị kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng ngừa và tái mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở chị em phụ nữ. Th.S-BS cũng lưu ý chị em phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ 3 - 6 tháng/lần để bảo đảm sức khỏe.

 Làm gì để tránh nhiễm nấm?

Nhiễm nấm âm đạo là một bệnh phụ khoa tương đối phổ biến. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Hoa Kỳ (CDC), có tới 75% phụ nữ bị nhiễm nấm âm đạo ít nhất một lần trong đời, trong số đó, có từ 40 - 45% bị tái nhiễm 2 lần hoặc nhiều hơn.

Theo các nhà chuyên môn, nhiễm nấm âm đạo không lây qua đường tình dục. Nguyên nhân gây bệnh là do một loại nấm cơ hội có tên là Candida Ablican gây nên. Loại nấm này luôn hiện diện trong âm đạo và không gây bệnh. Độ pH acid tự nhiên và khả năng tự làm sạch của môi trường âm đạo chính là bức vách ngăn không cho nó phát triển. Chỉ khi có những yếu tố thuận lợi làm sức đề kháng của cơ thể hoặc môi trường cân bằng này bị xáo trộn, nấm Candida Ablican sẽ phát triển quá mức và gây nên bệnh. Ngoài ra, một số thói quen trong sinh hoạt cũng góp phần làm tăng nguy cơ nhiễm nấm, như: mặc quần áo chật, thường mặc quần jean; ăn quá nhiều bánh kẹo, socola; dùng các loại xà phòng có tính kiềm mạnh để vệ sinh vùng kín, thụt rửa âm đạo thường xuyên làm môi trường tự nhiên của âm đạo bị xáo trộn. Vì thế, theo lời khuyên của các chuyên gia, để tránh nhiễm nấm âm đạo, cần mặc quần áo bằng vải cotton, rộng, thoáng mát, rút mồ hôi; có chế độ ăn cân đối, ít chất bột đường; thực hiện vệ sinh vùng kín đúng cách bằng cách sử dụng nước sạch, lau rửa đúng nguyên tắc “từ trước ra sau” và chỉ lau rửa bên ngoài.

Bài, ảnh: HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên