Phát triển bền vững cây xanh đô thị

Cập nhật: 27-05-2014 | 00:00:00

Hệ thống cây xanh trên đường phố đóng vai trò quan trọng trong việc chỉnh trang đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo những “lá phổi xanh” cho khu vực nội đô. Với tầm quan trọng đó, Bình Dương tích cực chú trọng, quan tâm đến việc thay thế những cây chưa phù hợp, gây phiền hà cho người dân. Ngoài ra, xã hội hóa việc phát triển hệ thống cây xanh, công viên đô thị cũng là một chủ trương đúng để Bình Dương trở thành thành phố xanh.

Thay thế hiệu quả

Trước đây, để Bình Dương xanh, nhiều cá nhân, đơn vị trong tỉnh đã chủ động trồng cây trên các tuyến đường. Nhiều cây được trồng, sinh trưởng không phù hợp làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới người tham gia giao thông, người dân sống xung quanh. Điển hình, Khu dân cư K8 (P.Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một), người dân nơi đây đã phản ảnh rất nhiều về sự khó chịu của mùi hoa sữa. Đến mùa hoa nở, nhà dân luôn phải đóng kín cửa để tránh mùi thơm nồng nặc từ hàng chục cây hoa sữa. Ngoài ra, nhiều tuyến đường còn trồng những loại cây được các nhà nghiên cứu khuyến cáo hạn chế trồng trong các đô thị, như: Cây viết, cây bọ cạp nước, keo lai, đại phong tử, sữa, bàng, trứng cá… và các loài cây ăn trái. Không chỉ “khập khiễng” về kích thước, hình dạng làm mất cảnh quan, nhiều cây xanh còn có nguy cơ bật gốc, gãy đổ vì rễ ăn nổi và bị sâu mọt (cây bọ cạp nước) có mùi khó chịu.  

Tuyến đường nội đô trong TP.mới Bình Dương được trồng cây theo quy hoạch. Ảnh: ĐỖ TUÂN

 

Công nhân Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Bình Dương chăm sóc cây thuộc khu vực TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: ĐỖ TUÂN

Trước những phiền hà từ cây xanh không phù hợp, UBND tỉnh ban hành Quyết định 03/2014/QĐ-UBND quy định quản lý các công trình giao thông, chiếu sáng, thoát nước, cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh. Việc đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị, căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết cây xanh, công viên - vườn hoa đô thị; đồng thời lập kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị hàng năm (giai đoạn 2010-2015) bao gồm: Công tác trồng, chăm sóc, ươm cây bảo vệ cây xanh đô thị; xây mới, cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp các công trình xây dựng thuộc khu vực cây xanh sử dụng công cộng ở đô thị. Khi thiết kế quy hoạch xây dựng phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về quỹ đất trồng cây xanh đô thị theo quy định trong quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng hiện hành; trồng, duy trì và bảo vệ cây xanh; việc chặt hạ và dịch chuyển cây xanh đô thị phải bảo đảm đầy đủ thủ tục theo quy định và dành quỹ đất phát triển vườn ươm cây xanh; đồng thời khuyến khích xã hội hóa công tác quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị; phát động chương trình hộ gia đình tự trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh khu vực nhà mình, trên các tuyến phố đã quy hoạch… và theo quy định về chủng loại cây trồng.

Theo quyết định, tỉnh giao Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Bình Dương xây dựng đề án về việc trồng mới, thay thế gần 6.000 cây sao, dầu cho các loại cây không phù hợp tại TP.Thủ Dầu Một giai đoạn 2012-2015. Tính đến thời điểm này, công ty đã tiếp nhận chăm sóc hơn 3.000 cây. “Trước đây, tình trạng có nhiều cây không phù hợp với cảnh quan đô thị, cũng như gây ra nhiều hệ quả không tốt tới người dân do quá trình trồng, quy hoạch cây từ trước, chưa phát hiện những hệ lụy xấu. Việc này không chỉ riêng tỉnh Bình Dương mà nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước cũng mắc phải. Hiện nay, việc thay mới hệ thống cây xanh chưa phù hợp sang trồng cây dầu, sao được người dân ủng hộ. Trong quá trình chuyển đổi cây trồng, tỉnh đã tham khảo ý kiến của các ngành, tổ chức họp dân để lấy sự đồng thuận. Từ đó, người dân tích cực hỗ trợ trong việc trồng, chăm sóc cây xanh”, bà Trần Thị Gái, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Bình Dương cho biết.

Phát triển bền vững theo hướng xã hội hóa

Từ năm 2005, Bộ Xây dựng ra Thông tư số 20/2005/TT-BXD về việc hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị, khuyến khích xã hội hóa công tác quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị và phát triển vườn ươm cây. Tại Bình Dương, UBND tỉnh tổ chức thực hiện, mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt trong công tác vận động nhân dân tham gia trồng, chăm sóc, bảo về cây xanh đô thị. Ngoài ra, việc công khai, minh bạch thông tin về các chủ trương, chính sách phát triển cây xanh đô thị, dự án cây xanh tại địa phương (từ bất cứ nguồn vốn nào) đã tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện chức năng giám sát trực tiếp hoặc thông qua giám sát đầu tư cộng đồng.

Qua đó, việc phát triển cây xanh đô thị theo hướng xã hội hóa, từng bước phát huy hiệu quả, hình thành nên nhiều vùng xanh mới, cùng nhiều tuyến đường được trồng cây đồng bộ, phù hợp với cảnh quan tổng thể, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp. Riêng Tổng Công ty Becamex IDC, tại tất cả các dự án, như: TP.mới Bình Dương, Khu công nghiệp (KCN) và Đô thị Mỹ Phước (1, 2, 3), KCN - Đô thị Thới Hòa, KCN - Đô thị Bàu Bàng… đều có Ban Quản lý dự án và thành lập Đội cây xanh để trực tiếp thực hiện công tác quản lý, trồng mới, bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh. Ngoài ra, công ty còn có vườn ươm cây tại Bàu Bàng, Phú Giáo để có đủ nguồn cây cung cấp kịp thời cho các dự án mà công ty đang thực hiện, với trên 1 triệu cây các loại. Đến nay, TP.mới Bình Dương có diện tích công viên trung tâm là 75 ha, công ty đã đầu tư hoàn chỉnh hồ nước, cây cổ thụ, cây xanh (tha la, xanh, hoa sữa, dầu, sao, giáng hương, đa, bồ đề, trâm…) và hoa các loại. Các tuyến đường tại TP.mới và các KCN, đô thị chủ yếu trồng cây sao, dầu. Đây là loại cây thân thẳng, tán rộng, tạo nên không gian đô thị xanh tươi, gọn gàng. Đại diện Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết trong thời gian tới, để phủ xanh thành phố mới, cũng như các KCN - đô thị khác của Becamex IDC, tổng công ty sẽ tiếp tục phủ xanh, thực hiện các công tác quản lý, trồng mới và chăm sóc cây xanh theo quy trình. Song song đó, công ty tiếp tục phát triển vườn ươm để tạo nguồn cây trồng trong tương lai. Đặc biệt, tổng công ty cũng đang nghiên cứu phương án dẫn nước về các kênh trong thành phố mới để tạo bộ mặt đô thị thêm xanh mát.

Ông Trần Công Quang, người dân phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Nhờ hệ thống cây xanh trên các tuyến đường chúng tôi cảm thấy đỡ ngột ngạt. Do đó, là một người dân, tôi thường xuyên động viên nhân dân trong khu phố, các con trong gia đình nên trồng cây xanh. Ngoài ra, đối với những cây được trồng trước nhà nên chung tay cùng cơ quan quản lý công trình đô thị chăm sóc, bảo vệ để cây tỏa bóng mát. Có như vậy, Bình Dương sẽ ngày càng trở nên xanh - sạch - đẹp”.

ĐỖ TUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1593
Quay lên trên