Phòng chống bệnh mùa lạnh

Cập nhật: 21-01-2014 | 00:00:00

Ngoài nỗi lo về an toàn thực phẩm thì dịch bệnh trong mùa tết cũng là điều đáng quan ngại. Thời tiết thay đổi, các loại bệnh về tiêu hóa, hô hấp tăng cao.

Bệnh nhiều do thời tiết trở lạnh

Thời tiết trở lạnh trong những ngày giáp tết khiến trẻ em, người lớn mắc bệnh nhiều hơn. Bệnh về hô hấp, tiêu hóa thường gặp nhiều trong dịp này.

Tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khá đông những bà mẹ bồng con chờ khám bệnh. Theo BS Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những ngày thời tiết trở lạnh, bệnh nhi gia tăng. Khu khám bệnh ngoại trú khám cho hàng trăm bệnh/ngày. Hầu hết bệnh nhi mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp và đáng chú ý là vẫn còn bệnh tay chân miệng nhập viện. Viêm mũi dị ứng, sốt siêu vi cũng là vấn đề đáng lo ngại trong mùa này. Với bệnh hô hấp, theo BS Nguyệt không nên cho trẻ nằm quạt máy suốt đêm và hướng cánh quạt trực diện vào người. Bụi từ quạt máy không được lau rửa thường xuyên cũng là tác nhân gây dị ứng, mất vệ sinh dẫn đến bệnh về đường hô hấp .

Một bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thuộc Trung tâm Y tế Dầu Tiếng 

Tại các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố, chúng tôi ghi nhận nhiều bệnh nhân (BN) đến khám bệnh, nhận thuốc bảo hiểm y tế trong thời điểm này. Bệnh viện thuộc Trung tâm Y tế Dầu Tiếng khá đông BN, trong đó có nhiều bệnh nhi đến khám, điều trị. BS Nguyễn Thị Tâm, khoa Nội nhi Bệnh viện Đa khoa Dầu Tiếng, cho biết: “Những ngày gần tết, bệnh nhi tăng nhiều hơn bình thường. Có ngày hơn 10 trẻ được giữ lại điều trị nội trú, trong đó phổ biến là 2 bệnh tiêu chảy, hô hấp”. Tại khu điều trị nội trú, một bà mẹ trẻ lo lắng khi con bị tiêu chảy kéo dài phải truyền nước bởi bé ăn không được, bị nôn ói và tiêu chảy liên tục…

Cần chú ý phòng bệnh

Trong năm 2013, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, trong đó nổi bật là cúm A H7N9, cúm A H5N1, bệnh đường hô hấp cấp tính khu vực Trung đông (Mers-CoV). Tại Việt Nam, đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A H5N1 ở Đồng Tháp, Long An, trong đó 1 trường hợp tại Đồng Tháp đã tử vong. Tích lũy từ 2003-2013, Việt Nam ghi nhận 125 trường hợp mắc, 62 trường hợp tử vong do cúm A H5N1. Về cúm A H7N9 và Mers-CoV, chưa có trường hợp mắc phải, tuy nhiên nguy cơ có thể xâm nhập và gây ra dịch bệnh tại Việt Nam là rất lớn.

Để phòng chống bệnh, bên cạnh việc giữ vệ sinh tốt, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, cho ăn thêm trái cây, sữa, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ. BS Nguyễn Thị Tâm cũng cho biết thêm: “Tết nhất là thời điểm chúng ta lo việc vui chơi mà quên chú trọng đến vệ sinh trong ăn uống. Với trẻ em, không nên cho ăn nhiều các loại bánh mứt, nước ngọt không rõ nguồn gốc. Thức ăn phải nấu chín, hâm sôi lại nếu để sau vài tiếng. Đi du lịch mang theo thức ăn sẵn cũng nên cẩn thận bởi dễ bị ôi thiu, ẩm mốc và nhiễm khuẩn gây bệnh. Vấn đề nữa là thời tiết năm nay trở lạnh nên nếu đi chơi xa cần giữ ấm cho bé để tránh bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh”…

Trước và sau tết là thời điểm bệnh bắt đầu gia tăng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo lời khuyên của BS Minh Nguyệt, hầu hết những bệnh về tiêu hóa, hô hấp có liên quan đến vấn đề vệ sinh thân thể. Khi thấy trong người có dấu hiệu bệnh như giật mình, sốt cao liên tục không hạ dù đã uống thuốc hạ sốt, co giật… cần đến bệnh viện gấp để được điều trị kịp thời.

Một vấn đề nữa là người tiêu dùng nên cẩn trọng khi ăn thịt gà, vịt trong dịp tết. Cần lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, có qua kiểm dịch. Mọi người luôn nhớ nguyên tắc ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà bông… Tuyệt đối không dùng tiết canh bởi chứa nhiều mầm bệnh, dễ lây dịch bệnh.

Năm 2014, để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, nhất là cúm A H7N9, cúm A H5N1, Mers-CoV... ngành chức năng sẽ tổ chức kiểm dịch y tế chặt chẽ tại các cửa khẩu, chủ động tăng cường giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, phát hiện sớm và xử lý ngay các trường hợp mắc bệnh đầu tiên; tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật chuyên sâu trong việc giám sát, phát hiện tác nhân gây bệnh, chủ động nghiên cứu, đề xuất các biện pháp để người dân tiếp cận với vắc xin mới an toàn, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành: nông nghiệp và phát triển nông thôn, giáo dục và đào tạo, quốc phòng, an ninh, giao thông... trong phòng chống dịch bệnh và huy động các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh...

 

QUỲNH NHƯ – HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên