Phụ nữ nhiễm HIV có nên cho con bú sau khi sinh?

Cập nhật: 28-07-2012 | 00:00:00

Để hiểu hơn vấn đề này, chúng tôi đã phỏng vấn BS Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh...

- Thưa BS, sau khi sinh, bà mẹ nhiễm HIV và con của họ sẽ được hỗ trợ như thế nào ?

- Chăm sóc hỗ trợ và điều trị cho bà mẹ nhiễm HIV và con của họ sau sinh đóng vai trò quan trọng trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Mặc dù hầu hết các bà mẹ nhiễm HIV sau sinh sẽ được giới thiệu và chuyển đến các cơ sở chăm sóc, điều trị ngoại trú để theo dõi và điều trị khi cần thiết như một người nhiễm HIV bình thường, nhưng việc chăm sóc và tư vấn cho bà mẹ nuôi dưỡng trẻ sau sinh một cách thích hợp sẽ giúp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang. Hơn nữa, đối với hầu hết trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV chưa thể khẳng định ngay trẻ đó có bị nhiễm HIV hay không, nên việc chăm sóc cho các trẻ phơi nhiễm sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV là hết sức cần thiết. Đây cũng chính là một trong 4 thành tố của chương trình dự phòng lây truyền mẹ con do tổ chức Liên hiệp quốc khuyến cáo thực hiện.

- Vậy, theo BS, người mẹ nhiễm HIV có nên cho con bú không?

- Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Nó tốt hơn, an toàn hơn và rẻ hơn bất cứ một loại sữa thay thế (sữa hộp, sữa bột, sữa ngoài...) nào khác. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn không những thuận tiện hơn mà còn rất quan trọng cho sức khỏe của trẻ sơ sinh, vì sữa mẹ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và bảo vệ cho trẻ khỏi mắc bệnh tật. Tuy nhiên, nếu người mẹ nhiễm HIV, thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con qua nguồn sữa mẹ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 2%. Mặc dù, không phải trẻ nào bú sữa của người mẹ bị nhiễm HIV cũng sẽ nhiễm HIV, nhưng người mẹ càng cho trẻ bú dài ngày thì trẻ của họ càng có khả năng nhiễm HIV cao. Những trẻ vừa được cho bú mẹ vừa được ăn sữa thay thế sẽ có nguy cơ nhiễm HIV từ người mẹ cao hơn cả.

Nếu chọn biện pháp nuôi còn bằng sữa mẹ, cần nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ mà không cho trẻ ăn thêm bất cứ thức ăn nào khác. Tuyệt đối không cho trẻ vừa bú mẹ vừa ăn thêm (ăn sam) vì sẽ làm nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ. Cai sữa càng sớm càng tốt, chậm nhất là 6 tháng đầu. Khi cai sữa cần ngưng sữa mẹ hoàn toàn và chuyển sang thức ăn thay thế.

- Khi chăm sóc trẻ, các bà mẹ nhiễm HIV cần chú ý gì, thưa BS?

- Ngoài những hướng dẫn và chăm sóc thường quy như đối với mọi trẻ em khác, đối với trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV cần hướng dẫn người mẹ về bệnh nấm miệng. Đó là những mảng màu trắng sữa hoặc vàng ở miệng, niêm mạc lưỡi, vòm họng, lan rộng, dễ tái phát. Cách xử trí: đánh tưa bằng nước nystatin dạng viên hoặc dạng bột. Dùng một gói nystatin pha với 5ml nước đun sôi để nguội. Sau đó, dùng khăn vải mỏng hoặc tăm bông bôi lên vị trí bị nấm ngày 3 lần. Cần đánh tưa đủ 3 ngày.

- Xin cảm ơn BS!

CẨM LÝ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên