Quốc tế đánh giá cao nỗ lực ngành y tế Việt Nam

Cập nhật: 28-03-2013 | 00:00:00

  Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM đầu tư trang thiết bị hiện đại chăm sóc sơ sinh non tháng, nhẹ cân. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Vitoria Kwakwa đã đồng chủ trì cuộc họp nhóm đối tác y tế đầu tiên trong năm 2013, diễn ra ngày 27-3 tại Hà Nội.

Các vị Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan hợp tác phát triển cùng một số Sở Y tế tỉnh, thành phố đã tham dự cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đối tác quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế Việt Nam trong năm qua và cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, phối hợp chặt chẽ và điều phối viện trợ có hiệu quả hơn nữa cho các hoạt động tại Việt Nam.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định ngành y tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đặc biệt là đã đạt được một số các mục tiêu thiên niên kỷ... Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực y tế dự phòng với hầu hết trẻ em sinh ra đều được tiêm vắcxin phòng bệnh, chương trình tiêm chủng mở rộng tới toàn xã hội.

Ngành y tế Việt Nam đã cố gắng rất lớn trong việc giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân bằng cách huy động thêm nhiều nguồn tài chính, kỹ thuật cao.

Đại diện các đối tác phát triển cũng khẳng định rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ, có nhiều hoạt động chăm sóc y tế cho bà mẹ, trẻ em nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thông qua mạng lưới cô đỡ thôn bản...

Việt Nam đã có tiến bộ và đạt được một số mục tiêu thiên niên kỷ về y tế như: mục tiêu số 1 về giảm suy dinh dưỡng trẻ em, mục tiêu số 4 về giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và mục tiêu số 5 về giảm tỷ suất tử vong mẹ.

Theo đánh giá của bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, mặc dù đã có tiến bộ và đạt được một số mục tiêu thiên niên kỷ song vẫn chưa đồng đều ở các nhóm dân cư, sự chênh lệch giữa vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa với thành thị vẫn ở mức khá cao. Ví dụ ở mục tiêu số 5 về giảm tỷ suất tử vong mẹ cho thấy tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm mạnh tử 233/100.000 ca vào năm 1990 xuống chỉ còn 58/100.000 ca vào năm 2010. Đây là điều đáng mừng song tỷ lệ chết mẹ ở các huyện nghèo nhất Việt Nam vẫn còn cao hơn nhiều lần so với tỷ lệ trung bình cả nước. Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền về chăm sóc y tế...

Cũng trong cuộc họp này, đại diện Bộ Y tế đã trình bày Đề án thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ liên quan đến y tế đến năm 2015; trong đó có đề cập đến việc đưa mục tiêu thiên niên kỷ vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong cả nước; đồng thời tiếp tục đưa các mục tiêu thiên niên kỷ về y tế vào các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến y tế nhằm tăng cường sự quan tâm đầu tư từ ngân sách nhà nước, địa phương trong bối cảnh nguồn viện trợ nước ngoài cho Việt Nam đang giảm dần.

Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ tích cực củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên