Các nghiên cứu khoa học tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy hoạt động thể lực (HĐTL) có tác dụng trong việc giảm nhẹ các triệu chứng một số bệnh không lây nhiễm như loãng xương, đau lưng, đau khớp, béo phì, đái tháo đường...
Luyện tập thân thể hợp lý sẽ là điều kiện rất tốt để ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm
Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã quan niệm HĐTL như một phương thuốc và được kê đơn cho bệnh nhân như kê đơn thuốc chữa bệnh. Thậm chí cả khi chưa bệnh, nếu có nhu cầu thì bác sĩ vẫn cung cấp những bài tập thể lực cho cá nhân hoặc cho một nhóm người để phục vụ việc phòng bệnh. Điều này cũng gần giống với việc tập thể dục với ý thức tự giác của mỗi người nhưng được bác sĩ cung cấp bài tập thì hẳn nhiên hiệu quả sẽ khác.
Ngăn ngừa bệnh không lây nhiễm
Ở nước ta, theo thống kê của Bộ Y tế thì hiện 75% trường hợp tử vong là do các bệnh không lây nhiễm và lười HĐTL là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Thế nhưng, khái niệm kê đơn HĐTL có vẻ như chưa phổ biến trong đời sống mà chỉ mới giới hạn trong việc bác sĩ cho tập vật lý trị liệu trong một số trường hợp điều trị bệnh. Bởi vậy, hiệu quả của việc dùng HĐTL để phòng ngừa bệnh tật vẫn chưa phải là điều được phổ cập rộng rãi. Vì thế, rất cần thiết xây dựng hệ thống các bài tập thể lực phù hợp với lứa tuổi, giới, nghề nghiệp và loại bệnh. Điều rất đáng mừng là thông tin từ Bộ Y tế cho biết là sẽ nghiên cứu và xây dựng hành lang pháp lý để đưa HĐTL như một đơn thuốc trong phòng và điều trị các bệnh không lây nhiễm.
Gần đây, các nghiên cứu khoa học tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy HĐTL có những tác dụng nhất định trong việc giảm nhẹ các triệu chứng một số bệnh không lây nhiễm như loãng xương, đau lưng, đau khớp, béo phì, đái tháo đường... Các nghiên cứu tại trường Đại học Y Hà Nội còn cho biết thêm các dụng thấy rõ của HĐTL đối với hội chứng chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, rối loạn lo âu và trầm cảm; nếu tập luyện thường xuyên 10 phút/ngày thì còn có khả năng cao trong việc giảm nguy mắc ung thư đại tràng, ung thư vú…
Cần chỉ dẫn chuyên môn
Khi đặt vấn đề phải kê đơn thì chúng ta phải hiểu đấy là lúc cần đến sự chỉ dẫn của chuyên môn để chỉ định và chống chỉ định cụ thể đối với từng người, chọn loại hình nào để tập luyện cho bản thân là phù hợp và tập bao nhiêu là hợp lý. Nói như thế, tức là chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng không phải cứ thấy người ta đánh quần vợt chẳng hạn thì mình cũng đánh và thế là tốt cho sức khỏe. Nhiều trường hợp vì muốn luyện tập thân thể nhưng do không biết cách, bắt cơ thể chịu đựng cường độ quá cao, quá căng thẳng mà dẫn đến tử vong.
Bộ Y tế đang triển khai chương trình bác sĩ gia đình nên người dân ở đô thị bây giờ dễ có điều kiện tiếp xúc hơn với những sự tư vấn cần thiết từ thầy thuốc. Ở vùng sâu, vùng xa và ngay ở đô thị thì nhiều người lo chật vật mưu sinh nên sẽ ít có điều kiện hơn thì chúng ta nên áp dụng phương án đơn giản nhất là đi bộ với cường độ nhẹ 5 ngày/ tuần, thời lượng tăng dần từ 5 -10 phút lên 20 - 30 phút/ngày.
Dân làm việc văn phòng thì càng lưu ý hơn đến HĐTL nhưng không phải cứ ra sân banh mới gọi là tập. Đôi khi đơn giản chỉ là đi bộ thay vì đi thang máy hoặc tìm cách giảm số giờ ngồi một chỗ trong ngày, đi bộ nhanh khoảng 1.500 bước trong 2 giờ rưỡi với 3 lần/tuần…
Điều thú vị mà chúng ta hoàn toàn có cơ sở khoa học để so sánh là bất cứ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ nhưng HĐTL thì rất ít có; rồi không một loại thuốc nào có thể đặc trị được 10 bệnh cùng lúc nhưng HĐTL đều đặn và hợp lý thì có thể giúp cải thiện nhiều yếu tố (giảm huyết áp, giảm lipid máu, đường huyết).
TS-BS LÊ TRUNG ĐỒNG