Thoát vị đĩa đệm, chữa trị cần kiên trì…

Cập nhật: 01-07-2014 | 00:00:00

Chứng bệnh thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) như là một bệnh thời đại bởi số bệnh nhân (BN) mắc ngày càng tăng. Một khi đã mắc bệnh này, cần điều trị chuyên khoa và lâu dài mới có kết quả…

 

Một BN đang được điều trị bằng vật lý trị liệu tại Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh Ảnh: Q.NHƯ

Triệu chứng bệnh

Theo bác sĩ Lại Văn Thăng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh, bệnh TVĐĐ hiện nay khá phổ biến. Đây là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống. Về giải phẫu bệnh có sự đứt rách vòng sợi, về lâm sàng gây nên hội chứng đau thắt lưng hông điển hình. Khi được hỏi về việc có nên mổ TVĐĐ hay không khi BN quá đau, bác sĩ Thăng cho biết không nhất thiết phải mổ, bởi nguy cơ bị liệt chi khá cao. Một khi phẫu thuật TVĐĐ, BN phải ngồi xe lăn trong thời gian dài sau phẫu thuật. Điều này gây bất tiện cho việc sinh hoạt hàng ngày của BN.

Căn bệnh TVĐĐ nam mắc phải nhiều hơn nữ, thường chiếm tới 82%. Tuổi mắc bệnh thường xảy ra ở lứa tuổi lao động từ 20 - 49 chiếm tới trên 90%. Vị trí TVĐĐ hay gặp thường xảy ra ở đĩa đệm số L4- L5 và L5-S1, do hai đĩa đệm này là bản lề vận động chủ yếu của cột sống.

Bệnh do yếu tố chấn thương là nguyên nhân hàng đầu. Bệnh thường xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức của cột sống. Trong đó chấn thương cấp tính, mạn tính và vi chấn thương đều là những nguyên nhân gây ra TVĐĐ. Tuy nhiên, chấn thương gây ra TVĐĐ chỉ phát sinh khi bệnh nhân bị bệnh lý hư xương sụn cột sống thắt lưng hoặc thoái hóa đĩa đệm.

Cần khám và điều trị đúng

Tại Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh, hiện có nhiều BN bị TVĐĐ đang điều trị. Một BN tuổi trung niên cho biết trước đây ông không hề bị đau lưng. Tuy nhiên, một lần đi tập thể dục buổi sáng về, gắng sức để nhấc cái chậu cây cảnh quá nặng. Thế là nghe “cụp một cái”, vào bệnh viện chụp X-quang thấy cột sống lưng có vấn đề. Chị Nga, một BN ở phường Phú Mỹ, TP.TDM thì cho biết: “Tôi bị TVĐĐ khoảng hơn 2 năm nay và từ ngày phát hiện ra bệnh đã vào điều trị tại khoa phục hồi chức năng của bệnh viện. Bệnh này không thể tập vật lý trị liệu qua loa được mà phải kiên trì. Nay tôi thấy bệnh đỡ nhiều rồi, lưng đã hết đau…”.

Người mắc bệnh thường bị đau thắt lưng tái phát nhiều lần. Bệnh phát triển theo 2 giai đoạn: giai đoạn đau cấp là giai đoạn đau lưng cấp xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức. Về sau mỗi khi có những gắng sức tương tự thì đau lại tái phát. Ở giai đoạn này có thể có những biến đổi của vòng sợi lồi ra sau, hoặc toàn bộ đĩa đệm lồi ra sau mà vòng sợi không bị tổn thương.

Giai đoạn chèn ép rễ: đã có những biểu hiện của kích thích hay chèn ép rễ thần kinh, xuất hiện các triệu chứng của hội chứng rễ đau lan xuống chi dưới, đau tăng khi đứng, đi, hắt hơi... nằm nghỉ thì đỡ đau. Bên cạnh đó, những thay đổi thứ phát của TVĐĐ như phù nề các mô xung quanh, ứ đọng tĩnh mạch, các quá trình dính... làm cho triệu chứng bệnh tăng lên. Biểu hiện lâm sàng điển hình với hai hội chứng là cột sống và rễ thần kinh.

Để điều trị tốt bệnh TVĐĐ, bác sĩ Lại Văn Thăng cho rằng cần chụp X-quang hay MRI để xác định đúng vị trí TVĐĐ. Ngoài các loại thuốc điều trị được bác sĩ chuyên khoa kê đơn thì tập vật lý trị liệu với các môn như kéo lưng, kéo cổ, điện châm, massage, siêu âm… sẽ làm cho BN giảm đau, việc điều trị có tiến triển tốt. Tuy nhiên, trong điều trị bằng phương pháp này, điều cần thiết là sự hợp tác giữa kỹ thuật viên vật lý trị liệu và BN, sự kiên trì, chịu khó của BN mới có kết quả tốt.

 

 QUỲNH NHƯ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên