Từ 1-4, người tiêu dùng nên tránh mua TV theo chuẩn cũ

Cập nhật: 02-04-2014 | 00:00:00
Từ 1-4, TV trên 32 inch sản xuất ở Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình kỹ thuật số mặt đất chuẩn DVB-T2 để chuẩn bị cho việc ngừng phát sóng truyền hình analog từ cuối năm 2015.

Theo lộ trình triển khai đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, đến cuối năm 2015, 5 thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog (tương tự) và đến cuối năm 2020, cả nước sẽchuyển sang truyền hình số mặt đất .

 Từ 1/4, TV trên 32 inch được bán tại Việt Nam sẽ sử dụng chuẩn DVB-T2. Ảnh: Tuấn Anh. Từ 1-4, TV trên 32 inch được nhập khẩu và sản xuất tại Việt Nam phải sử dụng chuẩn DVB-T2. Ảnh: Tuấn Anh.

Để chuẩn bị cho lộ trình này, từ 1-4-2014, tất cả TV có kích thước trên 32 inch được nhập khẩu và sản xuất tại Việt Nam phải hỗ trợ thu truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T2/MPEG4. Quy định mới giúp người mua TV không cần sắm thêm đầu thu kỹ thuật số set-top box vẫn có thể thu tín hiệu truyền hình số.

TV theo chuẩn cũ sẽ vẫn tiếp tục được bán ra cho đến khi hết sản phẩm tại các siêu thị điện máy. Điều này dẫn đến tình trạng là một số cửa hàng ém thông tin về việc tích hợp chuẩn DVB-T2 trên các dòng TV mới nhằm tiêu thụ hết sản phẩm cũ. Thậm chí, một số siêu thị vẫn đang bán TV với quảng cáo "tích hợp đầu thu kỹ thuật số" khiến người mua nghĩ đó là chuẩn DVB-T2 nhưng thực chất chỉ là TV hỗ trợ DVB-T.

 TV-1_1396319780.jpgNgười mua nên hỏi kỹ nhân viên bán hàng để tránh mua phải TV đời cũ.

Chia sẻ với VnExpress, đại diện của các hãng như Samsung, LG... cho hay lỗi này thuộc về các cửa hàng đã không cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng và họ chưa có chính sách hỗ trợ cho người mua phải sản phẩm TV chuẩn cũ. Do đó, nếu lỡ sắm TV không hỗ trợ DVB-T2, người sử dụng sẽ phải mua thêm đầu thu để có thể xem truyền hình kỹ thuật số sau khi truyền hình analog ngừng phát sóng.

Các chuyên gia của Bộ khuyến cáo người tiêu dùng nên hạn chế mua TV và đầu thu theo chuẩn cũ dù giá rẻ hơn vì TV chuẩn DVB-T2 sẽ khai thác được tối đa lợi ích truyền hình số mang lại. Người dân ở thành phố lớn có thể dễ dàng tiếp cận thông tin song ở các vùng nông thôn, việc lỡ mua TV thế hệ cũ là điều khó tránh khỏi. Nếu mua không đúng chuẩn, đến giai đoạn chuyển sang phát sóng truyền hình kỹ thuật số, người dân sẽ lại phải mua thêm bộ thiết bị giải mã gây tốn kém.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ra văn bản quy định, từ ngày 1-5, tất cả sản phẩm TV và đầu thu truyền hình số chuẩn DVB-T2/MPEG4 bắt buộc phải dán nhãn hàng hóa, đồng thời phải công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy, gắn kèm logo biểu trưng số hóa truyền hình trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường Việt Nam. Tuy chưa đến thời điểm bắt buộc dán nhãn, các gian hàng của Samsung, Sony đều đã bắt đầu quảng bá thông tin về công nghệ DVB-T2 thông qua áp-phích, tờ rơi, biển treo trên kệ...

  Mẫu dấu hợp quy và logo biểu trưng số hóa truyền hình gắn trên các sản phẩm thu phát truyền hình kỹ thuật số khi đưa vào lưu thông trên thị trường Việt Nam Mẫu dấu hợp quy và logo biểu trưng số hóa truyền hình gắn trên các sản phẩm thu phát truyền hình kỹ thuật số khi đưa vào lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Các đài truyền hình cũng đang lên phương án chuyển đổi phù hợp. Chẳng hạn, VTC thời gian tới sẽ thực hiện song song việc nâng cấp chuẩn DVB-T2 trong khi vẫn duy trì các kênh cơ bản trên chuẩn cũ DVB-T một thời gian để người tiêu dùng có thời gian hiểu được lợi ích của chuẩn mới và dần chuyển đổi, khi đó VTC mới nâng cấp toàn bộ hệ thống lên công nghệ mới.Hiện trên thị trường cũng có khoảng 3 triệu đầu thu theo chuẩn DVB-T và nếu các đài truyền hình ngừng phát sóng DVB-T thì những đầu thu này cũng không còn giá trị sử dụng. Cục Tần số Vô tuyến điện đang kiến nghị nhà nước cần có quy định chấm dứt bán đầu thu chuẩn DVB-T từ 1-1-2015.

Dù phải tới tháng 4-2015, các TV từ 32 inch trở xuống mới bắt buộc tích hợp chuẩn DVB-T2, nhưng các hãng sản xuất cũng đã xem xét đi trước lộ trình nhằm đáp ứng nhu cầu của người mua. Ví dụ, ngay từ cuối tháng 3, Samsung đã giới thiệu mẫu TV H5500 32 inch hỗ trợ chuẩn mới, giúp người tiêu dùng xem 15 kênh truyền hình kỹ thuật số miễn phí, đồng thời xem được nhiều kênh hơn trên cùng một tần số, hưởng các dịch vụ giá trị gia tăng từ các đài truyền hình như truyền hình tương tác, truyền dữ liệu hay hỗ trợ thu tín hiệu trên thiết bị di động... Trong khi đó, LG cũng khẳng định sẽ sớm cho ra TV 32 inch với giá chỉ khoảng hơn 6 triệu đồng.

Hiện nay, số hộ xem truyền hình phát sóng tương tự chiếm gần 50%. Để hoàn thành mục tiêu năm 2020 có 100% hộ gia đình sử dụng truyền hình số mặt đất, Hà Nội dự kiến trích 1.700 tỷ đồng từ quỹ dịch vụ viễn thông công ích để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách mua đầu thu kỹ thuật số. Tại Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác thông tin và truyền thông thành phố Hà Nội ngày 27-3, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND cho hay, để triển khai Đề án số hóa truyền hình, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn thành phố, các đơn vị liên quan cần sớm đưa ra chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn. "Mỗi nhà một đầu thu, nhà giàu mua được ngay, nhưng nhà nghèo cần hỗ trợ", bà Ngọc nói.

"Số hóa truyền hình là xu hướng chung của thế giới giống như việc phát triển mạng di động 2G, 3G và mới nhất là 4G. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tuy vậy, do Việt Nam triển khai sau nên sẽ đi tắt đón đầu, sử dụng những công nghệ mới nhưng phù hợp với tình hình trong nước, dễ dàng triển khai với giá thành phù hợp để tránh việc chuyển đổi, thay thế thiết bị nhiều lần", Thạc sĩ Vũ Thị Thúy Hà, Giảng viên khoa Viễn thông 1 thuộc Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông, chia sẻ. "So với công nghệ truyền hình analog, truyền hình số giúp tăng băng thông, tăng chất lượng truyền dẫn nội dung. Trước đây truyền hình chủ yếu phát SD còn giờ có thể nâng chất lượng cao hơn là HD, Full-HD thử nghiệm phát 4K. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chuyển từ TV thế hệ cũ (CRT) sang các TV LCD, LED màn hình rộng, tỷ lệ 16:9. Tuy nhiên nguồn nội dung cũng phải phụ thuộc vào nhà đài còn công nghệ chỉ giúp truyền tải".

Thạc sĩ Hà cho hay lộ trình của chính phủ khá dài, giúp người dân có thể chuyển đổi mà không bị ảnh hưởng nhiều. Đề án mở rộng từ khu vực trung tâm, tiềm năng kinh tế tốt sau đó mới lan ra vùng sâu vùng xa. Thực chất người ảnh hưởng nhiều nhất là người dân ở miền núi, nơi công nghệ truyền hình analog còn là một cố gắng. Tuy vậy, cũng phải xét đến vòng đời thiết bị điện tử, khi đề án số hóa hoàn thiện năm 2020 thì khoảng thời gian đó (5 năm) đủ để thay thế thiết bị cũ. "Nhìn chung cũng giống như mang Internet về bản, mang di động phủ sóng toàn quốc, số hóa truyền hình có lộ trình kéo dài và được hỗ trợ giá thì người dân sẽ không gặp nhiều khó khăn", bà Hà nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Việt Nam đã chứng kiến những tác động to lớn của số hóa trong lĩnh vực viễn thông đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Giờ đến lượt cả nước bắt đầu việc số hóa truyền hình theo xu thế chung của thế giới. "Xu hướng số hóa khâu truyền dẫn phát sóng là xu thế phổ biến trên toàn thế giới và không thể đảo ngược trong tình hình CNTT đang ngày càng phát triển. Nhiều nước đã chuyển đổi thành công sang truyền hình số và ngừng phát sóng tương tự (analog), mang lại diện mạo mới cho truyền hình với lượng tốt hơn so với truyền hình tương tự và đóng góp ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và nhu cầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng chia sẻ.

Theo VnE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên