Vệ tinh FPT vào không gian

Cập nhật: 21-07-2012 | 00:00:00

Sáng nay tên lửa đẩy đã đưa phi thuyền của Nhật Bản lên quỹ đạo trái đất, mang theo vệ tinh của FPT, đánh dấu lần đầu tiên một vệ tinh do Việt Nam sản xuất lên vũ trụ.

Vụ phóng phi thuyền HTV-3 diễn ra lúc 9h06 tại Nhật Bản khi mây xuất hiện khá nhiều trên bầu trời. Tên lửa đẩy, có khối lượng 560 tấn, bay theo hướng đông nam, nghĩa là nó hướng ra phía biển của Nhật Bản. Toàn bộ quá trình phóng diễn ra trong khoảng 15 phút. Sau khoảng thời gian đó, bồn chứa nguyên liệu rắn của tên lửa tách ra và tên lửa đạt vận tốc hơn 3,6 km/giây.

Tên lửa đẩy mang theo phi thuyền chở vệ tinh F-1 lúc rời mặt đất lên không trung sáng nay.

Vào lúc 9h13, tên lửa đạt độ cao 200km. Tới 9h21, tàu HTV-3 tách thành công khỏi tên lửa và tự bay bằng động cơ của nó, đồng nghĩa với việc chuyến bay của vệ tinh F-1 diễn ra thuận lợi.

Phi thuyền vận tải chở 5 tấn hàng hóa, bao gồm vệ tinh F-1, sẽ cập Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Từ đây, các nhà du hành sẽ điều khiển cánh tay máy thả F-1 cùng các vệ tinh nhỏ khác vào không trung.

Vệ tinh của FPT có hình dáng một khối lập phương cạnh 10 cm và nặng 1 kg, do nhóm FSpace bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo từ cuối năm 2008, với mục tiêu là phải "sống" được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển trái đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.

Ông Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng nghiên cứu FSpace, thuộc Đại học FPT, nơi thực hiện dự án chế tạo vệ tinh, vui mừng khi chứng kiến hình ảnh F-1 cùng các vệ tinh khác bay vào vũ trụ thành công.

"Giai đoạn được cho là khó nhất đã qua. Nhưng đây chỉ là thành công bước đầu. Vệ tinh F-1 thật sự thành công khi vào tháng 9 nó được thả ra và cấp điện hoạt động, quan trọng hơn tại trung tâm điều khiển phải thu được tín hiệu của nó, ông Thư cho hay.

FSpace đã chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra khi F-1 vào không gian và vận hành sau này. "Có nhiều người lo lắng F-1 có thể đâm vào rác thải rác vũ trụ, nhưng tỷ lệ xảy ra rất thấp. Hơn nữa F-1 là vệ tinh bé, xác suất xảy ra hầu như bằng không", ông Thư nói.

Thời gian tới, FSpace sẽ tiếp tục nghiên cứu vệ tinh F2 với kích thước và khối lượng gấp đôi F-1. Mục đích của việc chế tạo các vệ tinh như thế là nhằm từng bước làm chủ công nghệ, để có thể đưa các ứng dụng vào thực tế như giám sát biển, cháy rừng, quan trắc...

Phó giáo sư Hugo Nguyễn (Nguyễn Minh Hùng), từ Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật vụ trũ đến từ Thụy Điển, chuyên gia vi hệ cơ điện tử, nhận xét: "Các bạn trẻ của FSpace làm việc rất nhanh chóng và hiệu quả từ ý tưởng cho tới quyết định. Tôi rất hãnh diện và tự hào khi trong điều kiện khó khăn của Việt Nam, họ vẫn đạt thành công bước đầu đưa vệ tinh nhỏ vào không gian".

VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên