40 năm đi tìm hài cốt và danh tính các anh

Cập nhật: 15-07-2017 | 16:43:02

Trong 2 cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc, có những người lính may mắn được trở về nhưng có những người mãi mãi nằm lại giữa lòng đất mẹ. Hơn 40 năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ luôn được Bình Dương chú trọng, một mặt là để tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, mặt khác để giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha anh.

Hồi ức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp về lại Làng 10 Dầu Tiếng, nay thuộc ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng để được nghe các vị lão thành cách mạng kể lại lịch sử hào hùng của địa phương, đặc biệt chiến tích trở thành chứng tích tội ác chiến tranh Mỹ - ngụy. Từ UBND xã Định Hiệp, chúng tôi ngược xe về hướng ấp Đồng Trai. Con đường làng trải dài, uốn lượn trong khu ấp từ lâu đã đi vào lịch sử. Đứng trên con kênh trước đây Mỹ - ngụy đã từng chôn vùi thi thể hơn 100 cán bộ chiến sĩ thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Bộ Tư lệnh Miền, cảm xúc về dòng lịch sử oai hùng nơi đây lại ùa về.


Bác Nguyễn Văn Hạnh, bộ đội biệt động huyện Dầu Tiếng; anh Nguyễn Thanh Phú, cán bộ quản trang Nghĩa trang liệt sĩ huyện Dầu Tiếng cùng thắp hương tại khu mộ tập thể Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Bộ Tư lệnh Miền. Ảnh: K.HÀ

Bác Nguyễn Văn Hạnh, bộ đội biệt động huyện Dầu Tiếng, nhân chứng lịch sử kể lại: “Trước 1975, nhà tôi ở Làng 10 nay thuộc ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng. Vào thời điểm khi tôi khoảng 10 tuổi, đang câu cá tại đường mương trong làng thì nghe tiếng xe của địch chạy tới cách vị trí tôi khoảng 500m. Rất nhiều thi thể của bộ đội bị địch chất trên xe lôi xuống chôn vùi xuống đoạn kênh rộng 3m, sâu 1,5m, dài 1.000m. Sau này khi lớn lên, tôi mới biết đó là những cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 được điều động từ đồng bằng sông Cửu Long lên miền Đông Nam bộ”.

Nhớ lại hành trình tìm kiếm, quy tập hơn 100 hài cốt liệt sĩ của Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, ông Phan Văn Điền, Bí thư Chi bộ ấp Đồng Trai, kể lại: “Ngày đầu tiên được Tỉnh đội, Huyện đội mời về bàn bạc chọn ngày quy tập và gặp gỡ những hộ dân có phần đất dự đoán liên quan đến hài cốt liệt sĩ, tôi cảm nhận đây là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả, là trách nhiệm của bản thân. Ngày đầu tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu gì, ngày thứ 2 thay đổi tác chiến tìm kiếm thì phát hiện hộp đạn AK, khúc xương… Những hài cốt tìm kiếm được các chiến sĩ bỏ vào thùng xốp phủ lên tấm vải đỏ rồi đưa về văn phòng ấp bảo vệ. Tôi và đồng chí Nguyễn Bá Quế, Trưởng ban lãnh đạo ấp Đồng Trai thay phiên túc trực 24/24, bảo vệ hài cốt liệt sĩ và một số di vật được tìm thấy như lược, áo mưa, nhẫn, hộp quẹt, giày dép...”. Tiếp dòng hồi ức tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, anh Nguyễn Thanh Phú, cán bộ quản trang Nghĩa trang liệt sĩ huyện Dầu Tiếng, kể: “Khoảng thời gian cuối tháng 3-2015, tôi được nhận nhiệm vụ phải xây dựng ngôi mộ tập thể cho các liệt sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 với kích thước 15x40m. Vị trí xây dựng trong nghĩa trang đã được thống nhất, tôi cùng 15 thợ tích cực làm việc miệt mài. Chỉ trong khoảng 1 tuần ngôi mộ tập thể đã hoàn thành, đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Lễ truy điệu và an táng diễn ra trang trọng, chu đáo trước dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015)”.

Đi tìm danh tính các anh

Cùng với công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, công tác điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ cũng được Bình Dương đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu về thông tin liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh còn hạn chế. Hiện nay, toàn tỉnh có 13.006 mộ liệt sĩ, trong đó mộ liệt sĩ biết tên là 8.687 và mộ liệt sĩ chưa biết tên hơn 4.200. Với ý nghĩa xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, cán bộ, nhân viên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) vẫn luôn miệt mài, tận tụy điều tra nhằm trả lại tên tuổi cho các anh.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Thực hiện Quyết định số 510/QĐ- LĐTBXH ngày 28-4- 2014 của Bộ LĐ-TB&XH về phê duyệt phương án điều tra về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; đến nay tỉnh đã điều tra xong và đã có 13.584 phiếu điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, 12.955 phiếu điều tra về mộ liệt sĩ và 6 phiếu điều tra về nghĩa trang liệt sĩ. Tất cả các dữ liệu thông tin này đã được cập nhập vào Trang thông tin cơ sở dữ liệu liệt sĩ của Cục Người có công.

Theo chân chị Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ LĐ-TB&XH xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, chúng tôi đến thăm gia đình liệt sĩ Ngô Văn Tiên, Ngô Văn Hổ tại ấp Mỹ Đức để điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Để gặp được thân nhân gia đình liệt sĩ, chị Trang phải lặn lội xuống đây từ rất sớm để hẹn gặp gia đình. Có những hôm trời mưa rất to nhưng chị vẫn một mình chạy chiếc xe máy cà tàng xuống ấp, gặp gỡ thân nhân gia đình liệt sĩ với một mong muốn góp công sức nhỏ hoàn thành việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu. “Năm 2016, tôi thực hiện cuộc điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Quá trình thực hiện, xã Bình Mỹ gặp khó khăn, một số liệt sĩ có thân nhân thờ cúng là cháu họ, hoặc người lớn tuổi nên không biết, hoặc nắm không chính xác thông tin liên quan về liệt sĩ như: ngày, tháng, năm sinh, về người có quan hệ huyết thống để giám định ADN; một số liệt sĩ không còn thân nhân để kiểm tra ADN khi cần thiết, người họ hàng thuộc dòng mẹ như anh chị em cùng mẹ, bác, dì thuộc bên mẹ… Đặc biệt một số gia đình thân nhân liệt sĩ không nhớ rõ nơi an táng ban đầu của liệt sĩ. Điển hình như gia đình bà Bồ Thị Tiến, ấp Mỹ Đức, xã Bình Mỹ đang thờ cúng liệt sĩ Cao Văn Vạn, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bà Tiến là em dâu của liệt sĩ nên bà không biết rõ liệt sĩ Cao Văn Vạn hy sinh ở chiến trường nào nên rất khó trong công tác điều tra”, chị Trang cho biết.

Theo anh Nguyễn Trọng Vương, cán bộ LĐ-TB&XH xã Lai Hưng, TX.Bến Cát: “Để tìm danh tính cho các liệt sĩ, cán bộ điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ phải làm việc tỉ mỉ, chính xác, gặp trực tiếp thân nhân liệt sĩ để xác định đâu là thân nhân chủ yếu, thân nhân thờ cúng, xác định liệt sĩ đã biết mộ hay chưa, thông tin về mộ liệt sĩ có trùng khớp với hồ sơ đang quản lý, tìm được người lấy mẫu sinh phẩm để xác định tên tuổi chính xác của các liệt sĩ, điều chỉnh thông tin bia mộ. Khó khăn trong quá trình điều tra là hầu hết trong giấy báo tử của các liệt sĩ đều ghi hy sinh ở mặt trận miền Đông Nam bộ, nhưng không ghi cụ thể ở địa phương nào”.

“Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 được điều động từ đồng bằng sông Cửu Long lên miền Đông Nam bộ. Đêm 21-11-1965, sau đợt tấn công vào căn cứ ngụy tại Làng 10 Dầu Tiếng, nay thuộc ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng bị địch bất ngờ sử dụng một đoàn tăng thiết giáp phản công. Với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, hơn 100 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Địch gom thi thể các cán bộ chiến sĩ vùi lấp xuống đoạn kênh rộng 3m, sâu 1,5m, dài 1.000m. Sau hơn 40 năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, năm 2015, với sự nỗ lực của các đồng chí cựu chiến binh Trung đoàn 3, Đại đội C64 và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, tỉnh đã tổ chức khảo sát, tìm kiếm quy tập trên 100 bộ hài cốt đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Dầu Tiếng vào ngày 21-4-2015”. (Thiếu tá Lê Ngọc Hà, Trưởng ban Chính sách phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh)

 

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=406
Quay lên trên