Trong báo cáo "Triển vọng phát triển châu Á 2013" công bố ngày 9-4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng cao hơn trong năm nay, song vẫn dễ bị tác động bởi những yếu tố rủi ro từ các nền kinh tế khác trên toàn cầu.
Ảnh chỉ có tính minh họa. Theo dự báo của ADB, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á - gồm 45 nước và vùng lãnh thổ ở Trung Á, Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc), nhưng không bao gồm Nhật bản, Australia và New Zealand - sẽ đạt mức tăng trưởng 6,6% năm 2013 và 6,7% năm 2014, so với mức tăng 6,1% năm 2012, nhờ nhu cầu trong nước mạnh lên và hoạt động thương mại giữa các nước trong khu vực được tăng cường.
Nhà kinh tế trưởng của ADB, ông Changyong Rhee, cho biết đà tăng trưởng mạnh của kinh tế Trung Quốc và sự vững vàng của các nền kinh tế Đông Nam Á là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực. Chi tiêu ở trong nước, đặc biệt chi tiêu tiêu dùng, là động lực chính cho sự chuyển biến của kinh tế khu vực trong năm 2013 và 2014.
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng từ mức 7,8% trong năm 2012 lên 8,2% trong năm 2013, song sẽ giảm xuống 8% trong năm 2014, do chính phủ nước này triển khai các biện pháp nhằm làm giảm sức ép đối với môi trường và thu hẹp chênh lệch thu nhập.
Ngân hàng này nhận định kinh tế của các nước Nam Á sẽ bứt lên sau hai năm suy giảm, đạt các mức tăng trưởng lần lượt 5,7 và 6,2% trong năm nay và năm sau.
Ấn Độ sẽ dẫn đầu tăng trưởng của kinh tế khu vực, với các mức tăng trưởng dự báo 6% và 6,5%.
Khu vực Đông Nam Á cũng đạt các mức tăng tưởng 5,4% trong năm nay và 5,7% năm sau, nhờ tiêu dùng mạnh, đầu tư lớn và thương mại trong khu vực gia tăng.
Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng đà phục hồi của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á vẫn phải đối mặt với những rủi ro như dòng vốn lớn có thể làm xuất hiện bong bóng tài sản, những bất đồng chính trị xung quanh các vấn đề tài chính ở Mỹ, các biện pháp khắc khổ được áp dụng ở châu Âu và các tranh chấp lãnh thổ ở châu Á có thể gây mất ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, lạm phát dù vẫn tương đối ổn định song sẽ tăng lên khi các nền kinh tế khu vực gia tăng hoạt động sản xuất trong bối cảnh dòng tiền đổ về từ các nền kinh tế phát triển.
Giá tiêu dùng có thể tăng 4% trong năm 2013 và 4,2% năm 2014, so với 3,7% năm 2012. Sức ép lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, song các nước cần giám sát giá cả một cách chặt chẽ.
Theo TTXVN