Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Dương lần thứ III năm 2019, bà Vương Khôn Oanh, người Hoa, ngụ tại phường Lái Thiêu (TP.Thuận An) vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước giai đoạn 2014-2019. Tại địa phương, bà Oanh được đánh giá là người sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Bà Vương Khôn Oanh bên các sản phẩm tại cơ sở sản xuất của gia đình
Quyết tâm giữ nghề
Chúng tôi tìm đến nhà bà Oanh tại khu phố Bình Đức, phường Lái Thiêu vào một ngày cuối tháng 10. Lúc này trời đã chập choạng tối, cộng với cơn mưa như trút nước do ảnh hưởng của bão số 9, dù vậy bà Oanh vẫn còn nán lại nhà kho để chuẩn bị hàng mai giao cho khách. Những chiếc nồi đất nho nhỏ, xinh xinh được buộc lại gọn gàng và xếp ngay ngắn trông thật đẹp mắt đã chứng tỏ gia chủ nâng niu, chăm bẵm cho sản phẩm của gia đình.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Oanh cho hay, đây là nghề truyền thống của gia đình có từ thời ông cố của bà, tính ra đã mấy chục năm. Thời điểm gốm sứ hưng thịnh, gia đình sản xuất chậu bông bằng men, sau đó do nhu cầu của thị trường nên đã chuyển sang làm chậu không men. Rồi có giai đoạn mặt hàng gốm sứ gặp khó khăn, do hàng ngoại nhập có mẫu mã đẹp, như bao hộ sản xuất gốm sứ khác, gia đình bà cũng điêu đứng vì đầu ra đóng băng; có giai đoạn tưởng chừng phải bỏ nghề. Khi ba tôi qua đời, tôi đã cố gắng cầm cự, cứ như vậy đã giữ được nghề truyền thống của gia đình cho đến ngày nay”.
Hiện nay, do nhu cầu của xã hội, bà Oanh đã chuyển sang làm nồi đất phục vụ cho những nhà hàng, quán ăn bán cơm niêu. Sản phẩm của bà có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất là ở TP.Hồ Chí Minh. Những năm sau này, để bảo vệ môi trường, bà Oanh đã chấp hành chủ trương di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư, mà không hề kêu ca, phàn nàn. Dù phải thêm phí vận chuyển sản phẩm từ phường Thuận Giao về nhà kho ở Lái Thiêu để thuận tiện trong việc mua bán nhưng bà Oanh vẫn vui vẻ, bởi với bà việc bảo vệ sức khỏe cho bà con trong khu phố là trách nhiệm của người sản xuất, đồng thời cũng chính là bảo vệ cho những người thân của mình.
Trách nhiệm với cộng đồng
Giữ vững nghề truyền thống của cha ông, bà Oanh không chỉ làm giàu chính đáng mà còn tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động ở địa phương và một số các tỉnh khác trong suốt nhiều năm qua. Lớn lên trong nghèo khó, từ nhỏ đã theo cha học nghề nên bà Oanh đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn công nhân lao động. “Khi tôi còn đi học, những ngày hè bạn bè được vui chơi, tôi phụ ba lao động kiếm tiền, nên tôi thấu hiếu nỗi cực nhọc của người nghèo với nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Vì vậy, dù hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi hay khó khăn, hàng tháng tôi vẫn trả lương đầy đủ, kịp thời cho nhân công.
Đúng với chia sẻ của bà, qua tìm hiểu thêm của chúng tôi, mỗi khi công nhân thiếu thốn hoặc về quê bà cũng vui vẻ cho ứng trước luơng. Có trách nhiệm với người lao động, vào dịp lễ hoặc cuối năm, bà đều tổ chức liên hoan họp mặt, thưởng tiền hoặc nhu yếu phẩm cho họ vui tết. Vào dịp Tết Trung thu hàng năm, bà tặng quà bánh, tiền mặt để công nhân mua lồng đèn, bánh trung thu cho con cháu vui đón hội trăng rằm. Chính vì tấm lòng rộng mở của bà, nhiều người đã gắn bó với cơ sở này hàng chục năm qua.
Ở địa phương, bà Oanh là một công dân gương mẫu, luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều năm qua, gia đình bà Oanh đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Mỗi khi ở địa phương có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hữu sự, khi cán bộ khu phố đến vận động bà đều sẵn sàng giúp đỡ. Trong các đợt vận động ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt hoặc hỗ trợ phụ nữ nghèo, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... lần nào bà cũng đóng góp đầy đủ.
HỒNG THÁI