Sau một năm tỉnh nhà vượt qua những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ, ông Võ Văn Minh tin tưởng rằng với những điểm sáng tích cực, đáng khích lệ trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Bình Dương sẽ bước sang giai đoạn mới thành công hơn với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Trước thềm xuân mới, Báo Bình Dương trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi với ông Võ Văn Minh xung quanh những thành quả năm 2021 và định hướng phát triển KT-XH trong năm 2022.
- Năm 2021, Bình Dương đã vượt qua thử thách, khó khăn do dịch bệnh và đạt được những thành quả đáng tự hào, ông có thể chia sẻ về những kết quả mà Bình Dương đã đạt được trong năm vừa qua?
- Năm 2021 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ập xuống các tỉnh phía Nam như một “cơn bão” và Bình Dương là “tâm bão” với biết bao khó khăn, thử thách. Trong điều kiện đó, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã triển khai kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả việc khống chế dịch bệnh cùng với duy trì sản xuất phù hợp với thực tiễn của Bình Dương. Ngay trong giai đoạn khó khăn nhất, toàn Đảng bộ, người dân và cộng đồng DN Bình Dương đã phát huy tất cả sức lực, trí tuệ, nắm tay nhau vượt qua dịch bệnh, nỗ lực phát triển KT-XH, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Đến nay, có thể khẳng định rằng chúng ta đã vượt qua đại dịch Covid-19, ổn định KT-XH của tỉnh nhà một cách nhanh nhất dù không tránh khỏi những tổn thất, mất mát. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ấy, các cấp, các ngành, địa phương đã hết lòng vì dân, quyết tâm bằng mọi giá bảo vệ sức khỏe, sinh mạng và chăm lo đời sống của người dân.
Điều đáng ghi nhận, sau rất nhiều nỗ lực, năm 2021, tình hình KT-XH, an ninh trật tự trong toàn tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được những kết quả khả quan so với tình hình chung của cả nước. Tất cả các lĩnh vực kinh tế đã có bước phục hồi trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Minh chứng cụ thể nhất thể hiện qua các chỉ số phát triển kinh tế của toàn tỉnh năm 2021. Một số điểm sáng có thể kể đến như xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt, doanh thu bán lẻ tăng, các DN giữ được nhịp sản xuất và phục hồi tương đối tốt, đồng thời đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 tăng 4,5% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,5 tỷ đô la Mỹ (tăng 17,1%), kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25,5 tỷ đô la Mỹ (tăng14,7%), thặng dư thương mại đạt 7 tỷ đô la Mỹ. Tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh 408.800 tỷ đồng, tăng 2,62%, mức tăng trưởng cao nhất trong “tứ giác” kinh tế phía Nam. Đến nay, Bình Dương vẫn luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển KT-XH, đặc biệt là công nghiệp và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tất cả là thành quả rất đáng tự hào trên của toàn Đảng bộ, toàn dân, cộng đồng DN tỉnh. Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tôi xin trân trọng cám ơn sự đồng cam, cộng lực, đoàn kết, vượt khó khăn của toàn thể nhân dân, cộng đồng DN trong một năm nhiều khó khăn vừa qua.
Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, UBND tỉnh luôn quan tâm, động viên các DN vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Trong ảnh: Ông Võ Văn Minh (thứ 2, trái qua), thăm Công ty TNHH Panko (TX.Bến Cát)
- Thưa ông, năm 2021, với việc linh hoạt thích ứng với dịch bệnh, tạo điều kiện cho các DN, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, Bình Dương tiếp tục thu hút mạnh dòng vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn chất lượng cao, ông có thể chia sẻ cụ thể về kết quả này?
- Một điều rất đáng mừng là trong năm 2021, mặc đù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, song Bình Dương vẫn nỗ lực duy trì việc thu hút vốn đầu tư. Với những nền tảng đang có, chúng ta thật sự vui mừng khi các nhà đầu tư quốc tế vẫn đồng hành, tín nhiệm chọn Bình Dương làm điểm đến. Năm 2021, Bình Dương đã thu hút được 78 dự án đầu tư mới, 27 dự án điều chỉnh tăng vốn, 166 dự án góp vốn mua cổ phần, với tổng vốn 2,6 tỷ đô la Mỹ. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, đã đầu tư vào 6 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm. Đến nay, Bình Dương là địa phương đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn FDI, với 4.026 dự án, tổng vốn 37,7 tỷ đô la Mỹ, chỉ đứng sau TP.Hồ Chí Minh.
Minh chứng rất là cụ thể, cho thấy Bình Dương vẫn tiếp tục trở thành một địa phương năng động, đổi mới, thuận lợi, an toàn, là điểm đến đầu tư mới, hấp dẫn là việc Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) để đầu tư xây dựng nhà máy rộng 44 ha với số vốn hơn 1 tỷ đô la Mỹ tại Bình Dương. Dự kiến nhà máy sẽ khởi công vào nửa cuối năm 2022, đi vào hoạt động trong năm 2024. Đây là dự án FDI có số vốn lớn nhất từ Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam, là dự án “xanh” theo đúng định hướng, hiện thực hóa việc nỗ lực nâng tầm chất lượng đầu tư của Bình Dương.
Ông Võ Văn Minh (thứ 2, trái qua), Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Văn Chánh (thứ 2 từ phải qua), Chủ tịch HĐND tỉnh tại lễ khai trương Sàn Thương mại điện tử tỉnh Bình Dương
- Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 trong bối cảnh mới, khó khăn và cơ hội đan xen, UBND tỉnh sẽ có những giải pháp nào để thực hiện thành công chỉ tiêu đã đặt ra, đáp ứng sự tin tưởng, kỳ vọng của người dân, cộng đồng DN, thưa ông?
- Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 trong bối cảnh mới, ở đó cơ hội và thách thức đan xen. Làm thế nào để thích ứng an toàn, linh hoạt, phục hồi và phát triển là những vấn đề mà lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, trăn trở. Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu, đồng lòng của các cấp, các ngành, cộng đồng DN và người dân trên địa bàn tỉnh. Tôi thật sự kỳ vọng rằng với những nền tảng có được, toàn Đảng bộ, toàn dân, cộng đồng DN sẽ tiếp tục đoàn kết, sáng tạo để vượt qua thách thức, đưa Bình Dương phát triển hơn, bước sang một giai đoạn mới ấm no, hạnh phúc hơn.
Để bảo đảm các mục tiêu phát triển KT-XH trong giai đoạn mới, UBND tỉnh Bình Dương sẽ tập trung triển khai đồng bộ 8 giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển: Thứ nhất, tỉnh vẫn ưu tiên cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh, chủ động dự báo, hoàn thiện các kịch bản, phương án phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình mới theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.
Thứ hai, tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện và tìm kiếm các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Khẩn trương phục hồi, phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại. Có giải pháp thiết thực hỗ trợ DN kết nối, duy trì và phục hồi. Tái cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba, trên định hướng đã có, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, ưu tiên phát triển những ngành có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao. Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Vận dụng tối đa các lợi thế của các hiệp định thương mại tự do và tích cực áp dụng chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, xuất khẩu tại chỗ, nhất là trong các dịch vụ nhà ở, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tài chính, ngân hàng.
Thứ tư, để củng cố nội lực, đặt những nền tảng vững vàng, tỉnh đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Tiếp tục rà soát, giảm thời gian thực hiện các thủ tục về thành lập DN, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thông quan hàng hóa, nộp thuế cho DN. Thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp gỡ DN, hiệp hội ngành hàng để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với thực hiện đề án thành phố thông minh và Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương. Thiết thực hỗ trợ DN vừa và nhỏ, tăng cường kết nối, thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa với các đối tác FDI.
Thứ năm, để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đã và đang đầu tư vào Bình Dương, tỉnh tập trung huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực với hình thức đa dạng, nhất là các dự án giao thông quan trọng. Tiếp tục chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, thành phố thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực. Sắp tới, tỉnh tập trung thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là các thủ tục đầu tư đường vành đai 3, vành đai 4 và cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dự án cải tạo Quốc lộ 13, dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747B, ĐT743, phối hợp nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1... Triển khai kế hoạch phát triển nhàởgiai đoạn 2021-2025. Rà soát, nâng cấp lại các khu nhà trọ, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh và điều kiện sinh hoạt cho công nhân, người lao động.
Thứ sáu, để phát triển đồng đều các thành phần kinh tế, tỉnh tăng cường huy động và sử dụng cóhiệu quảcác nguồn lực đầu tư, thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư trong và ngoài Nhà nước.
Thứ bảy, trong giai đoạn tới, về mặt xã hội, để tạo tiền đề cho sự “phục hồi” bền vững, Bình Dương vẫn tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Huy động nguồn lực thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội. Tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, triển khai các giải pháp phục hồi và ổn định thị trường lao động, ưu tiên hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại giúp người lao động mất việc chuyển đổi việc làm thích hợp. Bảo vệ, chăm sóc tốt và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thứ tám, nhằm giữ vững thương hiệu Bình Dương, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và cộng đồng DN, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng chính quyền điện tử cùng với việc xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Phấn đấu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được thực hiện ở cấp độ 3, 4 trên môi trường mạng từ đầu năm 2022. Nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, DN về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Tiếp tục triển khai hiệu quảhoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.
Trong thời gian trước mắt, tỉnh nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, trong đó ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng và nguồn nhân lực y tế. Tất cả bảo đảm tiếp tục việc khống chế thành công dịch bệnh Covid-19, thực hiện tốt phương châm “phát triển an toàn, an toàn để phát triển”.
- Trân trọng cám ơn ông!
(*) Tựa bài do Tòa soạn đặt
TIỂU MY (thực hiện)