Bàu Bàng đổi thay

Cập nhật: 04-09-2014 | 21:15:10

Trong kháng chiến, quân dân Bàu Bàng anh dũng kiên cường, chiến đấu lập nên nhiều chiến công, trong đó, trận đánh Bàu Bàng chiến thắng vang dội, khiến kẻ thù khiếp sợ mỗi khi nhắc đến địa danh này. Giờ đây, phát huy tinh thần cách mạng, vùng đất ấy đang “chuyển mình” phát triển tiến lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Học sinh trường THCS Lai Uyên thăm tượng đài chiến thắng Bàu Bàng

 Lịch sử còn vang danh

Vùng đất Bàu Bàng xưa đã đi vào huyền thoại với những trận đánh lịch sử. Địa danh Bàu Bàng cũng được nhắc đến trong bài thơ chúc Tết xuân năm 1966 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi miền Nam: “Mừng miền Nam rực rỡ chiến công. Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plây-me, Đà Nẵng”. Theo lịch sử Lực lượng vũ trang huyện Bến Cát (1945- 1975), Bàu Bàng nổi tiếng với trận đánh làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch. Sau thất bại ở Bình Giã, Đồng Xoài và nhiều nơi khác ở chiến trường miền Nam, nguy cơ phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đang hiển hiện từng ngày. Để cứu vãn tình thế, Mỹ tung Sư đoàn 1 bộ binh được mệnh danh là “Anh cả đỏ” trang bị vũ khí hiện đại nhất, tinh nhuệ nhất, cùng Sư đoàn 25 bộ binh cơ giới vào chiến trường Việt Nam từ giữa năm 1965 để tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ với mục tiêu “Tìm diệt - Bình định - Đánh gãy xương sống Việt cộng”. Tuy nhiên, kế hoạch của Mỹ đã sớm bị phá sản.

Ông Nguyễn Văn Xếp (tức Ba Xếp), cựu chiến binh ở xã Lai Uyên kể lại, đúng 5 giờ sáng ngày 12-11-1965, sau khi nhận lệnh từ cấp trên, các đơn vị đã đồng loạt khai hỏa. Pháo của ta bắn chính xác vào trận địa địch. Ngay từ loạt bắn đầu tiên, pháo của ta đã phá hủy nhiều xe tăng. Bị đánh bất ngờ, sau khi tổ chức lại đội hình, địch điên cuồng phản công. Do dự đoán trước tình hình, phía ta tăng cường thêm hai tiểu đoàn đến trận địa tiếp tục tấn công mãnh liệt vào đội hình quân đội Mỹ. Tuy nhiên, phải đến khi một trung đội bộ binh của Tiểu đoàn 1 với chiến thuật “nắm thắt lưng địch mà đánh” dũng cảm thọc sâu vào Sở chỉ huy Lữ đoàn và trận địa pháo của Mỹ thì mới quyết địch cục diện trận đấu. Sở chỉ huy bị đánh, quân lính Mỹ hoang mang bỏ chạy tán loạn. Đến khoảng 10 giờ quân ta chiếm lĩnh hoàn toàn trận địa. Chiến dịch Bàu Bàng kết thúc với thắng lợi giòn giã.

Sản xuất tại nhà máy sợi Công ty KYUNGBANG Việt Nam, KCN Bàu Bàng

Thất bại ở Bàu Bàng là một nỗi đau trong lịch sử của Sư đoàn 1 bộ binh của Mỹ. Một đơn vị được mệnh danh là “Anh cả đỏ” bất khả chiến bại, đã phải thảm bại trước một đội quân vừa mới được thành lập không lâu. Cũng từ thất bại này đã biến âm mưu bình định miền Nam Việt Nam trong 18 tháng của chính quyền Giôn-xơn xem như đã bị phá sản hoàn toàn. Về phía quân đội ta, chiến thắng Bàu Bàng thực sự là một chiến công chói lọi, song ý nghĩa to lớn từ chiến thắng này không chỉ dừng lại ở đó. Từ thắng lợi của trận Bàu Bàng, giúp cho nhân dân trong tỉnh nói riêng, người dân khu vực miền Nam nói chung có thêm động lực, can đảm đứng lên đánh đuổi kẻ thù, giành lấy hòa bình độc lập. Tinh thần đó cũng được quân dân các xã Long Nguyên, Lai Uyên, Hưng Hòa, Lai Hưng... phát huy một cách mạnh mẽ. Sau trận đánh Bàu Bàng, các vùng lân cận cũng hình thành những tổ bắn tỉa, những đội đánh mìn làm tiêu hao sinh lực địch trong các trận càn, làm quân địch vô cùng khiếp sợ khi lọt vào vùng đất này.

Chuyển mình phát triển

Đến với vùng đất Bàu Bàng, một điều dễ nhận thấy đó là sự thay đổi nhanh chóng của một vùng kháng chiến. Trước đây, vùng đất này là những xã vùng xa của huyện Bến Cát. Được huyện Bến Cát quan tâm đầu tư điện, đường, trường, trạm, đời sống của nhân dân tương đối được cải thiện, kinh tế phát triển. Từ sau khi tách huyện, với lợi thế cơ sở vật chất đã có, Bàu Bàng đã phát huy thế mạnh của địa phương. Giờ đây, Bàu Bàng “khoác áo mới” với bạt ngàn cao su, đường thông thoáng, công ty, xí nghiệp mọc lên san sát, hệ thống trường học đang hoàn thiện.

Dù mới tách huyện nhưng Bàu Bàng đã mạnh dạn đặt ra mục tiêu phấn đấu năm 2014: Tăng trưởng kinh tế 13,5%, thu nhập đầu người 33.5 triệu đồng/người/ năm; tổng thu ngân sách Nhà nước trên 508 tỷ đồng. Về văn hóa, xã hội, phấn đấu giải quyết việc làm cho 1.000 đến 2.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1,6%, hộ sử dụng điện đạt trên 99,2%; xây dựng 2 trường đạt chuẩn quốc gia; duy trì 5/7 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chuẩn mới…

Theo định hướng, huyện Bàu Bàng phát triển kinh tế mạnh về công nghiệp, dịch vụ. Công tác giáo dục, y tế cũng được quan tâm đúng mức, toàn huyện hiện có 27 trường học, 9 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 6 trường THCS, 1 trường THPT. Trong đó có 9 trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em sống trên đất Bàu Bàng. Huyện cũng đã xây dựng Phòng khám Đa khoa; Trung tâm Y tế huyện và Phòng y tế. Toàn huyện hiện có 836 liệt sĩ, 266 thương bệnh binh và 57 mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 3 mẹ). Để các đối tượng chính sách ổn định cuộc sống, huyện đã hỗ trợ bằng nhiều mặt, xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn, thăm hỏi tặng quà. Ông Lê Văn Phong (SN 1954), ấp Cầu Đôi, xã Lai Hưng tâm sự, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bàu Bàng hơn ai hết ông cảm nhận sự đổi thay từng ngày của vùng đất này. Ông cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc khi nhìn quê hương ngày càng đổi mới, con cháu được đến trường, gia đình chính sách được quan tâm.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, huyện còn chú trọng đến việc tạo sân chơi giải trí cho nhân dân. Ông Nguyễn Minh Thành, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao huyện Bàu Bàng, cho biết do mới tách huyện nên các thiết chế văn hóa chưa được xây dựng. Khắc phục khó khăn, huyện đã nỗ lực tạo “món ăn” tinh thần đa dạng để người dân có sân chơi thiết thực, lồng ghép tuyên truyền kịp thời các sự kiện chính trị quan trọng. Riêng trong tháng 8-2014, trung tâm đã tổ chức thành công hội thi “Nhóm hát sơn ca”, “Giai điệu trái tim”, “Tuyên truyền sách và tuổi thơ”, giải bóng đá thiếu niên nhi đồng hè huyện Bàu Bàng 2014...

Theo Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng Nguyễn Văn Minh, Bàu Bàng ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Để Bàu Bàng phát huy thế mạnh địa phương rất cần sự quan tâm từ phía UBND tỉnh, các sở ngành để Bàu Bàng vững bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Cụ thể, bổ sung cho huyện nguồn vốn xổ số kiến thiết để thanh toán các công trình và các gói thiết bị trường học đã được nghiệm thu để đưa vào sử dụng; đề ra chủ trương và hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng mới tòa nhà trung tâm hành chính huyện, trụ sở làm việc của Ban Chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện, lực lượng công an các xã trên địa bàn, bệnh viện đa khoa 100 giường.

Giờ đây, khi hòa bình, cái tên “Bàu Bàng chiến công vang dội” đang được thay thế bằng cách gọi “Bàu Bàng huyện mới phát triển”. Vùng đất đang chuyển mình phát triển với nhiều thử thách nhưng phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, tinh thần đoàn kết chung sức chung lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quyết tâm nỗ lực xây dựng quê hương Bàu Bàng thêm giàu đẹp.

Tại buổi làm việc với UBND huyện Bàu Bàng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã đánh giá cao nỗ lực của huyện đưa tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực sau hơn 4 tháng thành lập huyện. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng Bàu Bàng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Ông đề nghị các ngành hữu quan tỉnh hỗ trợ cho huyện giải quyết những khó khăn trong đầu tư, trang bị các phương tiện phục vụ quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; cần nhanh chóng thực hiện các thủ tục để xây dựng Đài truyền thanh huyện, trung tâm văn hóa thể thao, trung tâm phát triển quỹ đất, góp phần đưa trung tâm hành chính huyện đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

 

 T.TÂM - Đ.TUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1515
Quay lên trên