Bàu Bàng: Hiệu quả từ các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước

Cập nhật: 12-09-2019 | 08:47:57

Huyện Bàu Bàng tuy mới thành lập nhưng lãnh đạo địa phương luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong đó nổi bật là các giải pháp bảo vệ nguồn tài nguyên nước.


Suối Đồng Sổ đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bàu Bàng cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.
Ảnh: DUY CHÍ

Trám, lấp giếng để bảo vệ nguồn nước dưới đất

Thời gian qua, huyện Bàu Bàng luôn xác định nguồn nước bao gồm nước mặt và nước dưới đất là nguồn tài nguyên cần được bảo vệ theo quy định của pháp luật và Quyết định số 3608/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, năm 2017 UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thực hiện thống kê, kiểm kê số lượng giếng hư, không còn sử dụng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp tiến hành trám, lấp các giếng này theo hướng dẫn của Sở TN-MT.

Huyện Bàu Bàng đã có 3 xã thực hiện xong việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, gồm Cây Trường II, Lai Hưng và Long Nguyên. Phòng TN-MT huyện đang tiến hành cắm mốc tại xã Trừ Văn Thố và thị trấn Lai Uyên. Các xã còn lại là Hưng Hòa và Tân Hưng, sông Thị Tính, một phần suối Bà Tứ đi qua địa bàn thị trấn Lai Uyên tới đây sẽ tiếp tục được Phòng TN-MT cắm mốc theo kế hoạch đã được UBND huyện phê duyệt.

Ông Đinh Tấn Sĩ, chuyên viên Phòng TN-MT huyện Bàu Bàng, cho biết Bàu Bàng vốn là vùng nông thôn, trước đây các gia đình thường sử dụng giếng đào truyền thống để lấy nước phục vụ sinh hoạt. Thời gian qua, kinh tế - xã hội địa phương phát triển, nước sạch đã được kéo đến tận từng hộ gia đình nên giếng đào được bà con che đậy để đó rất nguy hiểm. Thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp trẻ con chạy giỡn, vui đùa rớt xuống giếng; có trường hợp tử vong cả người bị nạn và người xuống cứu do nhiễm khí độc tồn lưu dưới giếng. Có nơi người dân còn hoán cải giếng đào cũ thành nhà vệ sinh, hố rác. Cách làm này đã trực tiếp đưa chất thải thấm vào mạch nước ngầm gây ô nhiễm tầng nước ngầm.

“Sau khi khảo sát, Phòng TN-MT phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, giải thích cho người dân trên địa bàn thấu hiểu vấn đề. Từ đó bà con đã hợp tác với ngành chức năng, địa phương và chủ động trám lấp giếng hư cũ”, ông Sĩ nói.

Ghi nhận cho thấy, từ năm 2017 đến nay toàn huyện có 1.262 giếng hư, không còn sử dụng, tập trung nhiều nhất ở các xã Lai Uyên (434 giếng), Tân Hưng (286 giếng), Long Nguyên (174 giếng), Trừ Văn Thố (142 giếng)... Đến nay, cơ quan chức năng và người dân trong huyện đã trám lấp được 1.037 giếng. Dẫn đầu số lượng giếng đã trám lấp là xã Lai Uyên (294 giếng), tiếp đó là Tân Hưng (266 giếng), Long Nguyên (157 giếng), Trừ Văn Thố (122 giếng). Tới đây, Phòng TN-MT tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương vận động các hộ còn lại trám lấp toàn bộ giếng hư hỏng không còn sử dụng nhằm bảo đảm an toàn, phòng tránh tai nạn và bảo vệ nguồn nước dưới đất theo quy đinh.

Xác lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước

Nhằm bảo vệ nguồn nước mặt, các sông, suối, kênh rạch, ao hồ trên trên địa bàn, Phòng TN-MT huyện Bàu Bàng đã thực hiện khảo sát, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nguồn nước đối với các suối trên địa bàn huyện. Cụ thể, suối Ông Bằng phòng đã cắm 87 mốc hai bên bờ; suối Chính đã 51 mốc hai bên bờ, mỗi bên 6,2km; suối Nhánh 1 đã cắm 24 mốc hai bên bờ, mỗi bên 1,13km; suối Nhánh 2 đã cắm 12 mốc hai bên bờ, mỗi bên 2,7km...

Theo lãnh đạo Phòng TN-MT, công tác xác định vị trí cắm mốc được đơn vị tiến hành đúng trình tự quy định, có sự giám sát, phối hợp giữa đại diện Phòng TN-MT, chính quyền địa phương và người dân có liên quan. Cụ thể, bề rộng cắm mốc được đơn vị thực hiên tính từ mép bờ suối theo Quyết định số 3608/QĐ-UBND ngày 12- 12-2017 của UBND tỉnh. Còn lại, các suối nằm ngoài danh mục theo quyết định trên thì bề rộng cắm mốc căn cứ theo Nghị định 43/2015/NĐ-CP ngày 6-5-2015 của Chính phủ quy định bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng chống lấn chiếm đất ven nguồn nước.

Sau khi cắm mốc, các đơn vị liên quan sẽ tiến hành nghiệm thu, bàn giao cho địa phương quản lý. Ngành chức năng sẽ phối hợp kiểm tra định kỳ theo quy định. Khu vực đã cắm mốc phải được bảo vệ đúng quy định. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ nhắc nhở hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt hoặc cưỡng chế đối với những trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trong khu vực đã cắm mốc.

CÁC SÔNG, SUỐI, AO, HỒ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH: Hành lang bảo vệ trung bình từ 5 - 20m

Quyết định số 3608/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định hành lang bảo vệ sông, suối, ao, hồ trên địa bàn tỉnh nêu rõ thứ tự ưu tiên về thời gian thực hiện cắm mốc tại các sông, tuyến kênh, rạch, ao, hồ do địa phương, sở, ngành quản lý.

Quyết định này cũng quy định cụ thể phạm vi bảo vệ nhằm bảo đảm môi trường, phòng chống lấn chiếm. Cụ thể, các con sông lớn là Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính hành lang bảo vệ trung bình là 20m; các hồ, suối, rạch hành lang bảo vệ trung bình từ 5 - 15 m.

TÔN THẤT SƠN

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=5397
Quay lên trên