Nhập viện trong tình trạng sốt cao, kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị nhiễm virus H1N1, bệnh nhi (TP.HCM) qua đời đêm 3-8.
Đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh nhi nhập viện ngày 30-7 trong tình trạng sốt cao, thể trạng yếu phải thở máy. Dù các bác sĩ đã điều trị cấp cứu tích cực, song bé vẫn yếu dần do chứng viêm phổi dẫn đến suy hô hấp.
Virus H1N1 tái hoành hành sau một thời gian tạm lắng. Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, bé đang học tại một trường dành cho trẻ chậm phát triển tại quận Bình Thạnh, lớp có hai cô giáo và hơn 30 học sinh.
"Trung tâm Y tế dự phòng quận đang điều tra dịch tễ, tiến hành các biện pháp khử trùng môi trường nơi bé sinh sống; đồng thời theo dõi tình hình sức khỏe của những người có tiếp xúc", ông Thọ cho biết.
Như vậy sau hơn 4 tháng (từ ngày 20-3 đến ngày 28-7), Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới cúm H1N1 đại dịch nào thì đây là ca tử vong đầu tiên.
Xuất hiện từ tháng 4-2009, tốc độ lây lan cao, chỉ vài tháng sau, cúm H1N1 đã có mặt trên 160 quốc gia ở 5 châu lục. Tại Việt Nam, cúm xuất hiện vào tháng 5-2009, đến nay đã có hơn 10.000 người nhiễm H1N1, xác định trên 50 trường hợp tử vong. Cuối năm 2009, dịch tạm lắng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm, bệnh nhân tử vong hầu hết là những người có hệ miễn dịch yếu (người có sẵn bệnh, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai) và những trường hợp chủ quan, nhập viện muộn.
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, đại dịch cúm vẫn đang tiếp tục. Các khu vực như Nam và Đông Nam Á, Tây Phi và Trung Mỹ vẫn ghi nhận sự lan truyền của virus H1N1.
Theo VNE