Sạp quần áo ở chợ chiều Mỹ Phước của gia đình anh Bùi, chị Thơm khá đắt khách
Sử dụng vốn hiệu quả
Tháng 9-2009, gia đình anh Nguyễn Đức Tuân (ngụ khu phố 3, thị trấn Mỹ Phước) được cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn 120. Với số tiền này, anh Tuân bàn với vợ dùng một nửa vào việc chăm sóc cao su, phần còn lại mua trang thiết bị, phụ tùng mở tiệm sửa xe máy. Tích góp từ những khoản thu ít ỏi hàng ngày của tiệm sửa xe máy, một năm sau, vợ chồng anh Tuân bắt đầu mua thêm máy móc mở rộng tiệm sửa xe và đầu tư thêm hệ thống rửa xe bọt tuyết. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến năm 2011, cuộc sống của gia đình anh Tuân ổn định hơn. Tiệm sửa xe bắt đầu hút khách, khu rẫy hơn 1,8 ha cao su cũng bắt đầu cho những giọt mủ đầu tiên. Nghĩ lại những ngày đầu vất vả, anh Tuân kể: “Ban đầu, gia đình cũng loay hoay lắm, 20 triệu đồng tưởng lớn nhưng nếu không biết cách sử dụng thì cũng dễ tiêu tan lắm”.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh vừa kiến nghị UBND tỉnh về việc thành lập Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm trong tỉnh và đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm tỉnh sẽ có chức năng, nhiệm vụ giống nguồn vốn vay 120. Hiện tại, những quy định chính sách và ngân quỹ của nguồn vốn này đang được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan thảo luận.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, năm 2012, việc làm ăn, buôn bán của gia đình anh Hà Văn Bùi (khu phố 3, thị trấn Mỹ Phước) cũng lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Thiếu vốn, nên số lượng hàng hóa trong tiệm tạp hóa của nhà anh Bùi ngày càng giảm sút, thấy không ổn, anh Bùi bàn với vợ làm đơn xin vay vốn 120 để bổ sung những mặt hàng đang thiếu vào quầy hàng của gia đình. Nhận được tiền từ ngân hàng, vợ chồng anh Bùi càng phải suy nghĩ nhiều hơn bởi “lỡ dùng đồng vốn không hiệu quả, thua lỗ là chết chứ chả chơi”, anh Bùi nói.
Trong thời gian tính toán con đường làm ăn mới, anh Bùi nghe bạn bè kể về việc quy hoạch chợ chiều ở Mỹ Phước. Xác định chợ này nằm trong lòng Khu công nghiệp Mỹ Phước và thu hút khá đông công nhân mua sắm, trong đầu anh bắt đầu hiện lên suy nghĩ “sao mình không ra chợ kiếm một lô để buôn bán?”. Với ý định đó, anh Bùi bắt đầu nghiên cứu những mặt hàng bán chạy ở chợ chiều và quyết định chọn quần áo thời trang để đầu tư. “Ban đầu do khách chưa quen biết nên công việc buôn bán còn ảm đạm, sau này quen mặt rồi đắt khách hơn. Có những hôm cuối tuần, một mình bán không kịp tay nên tôi phải gọi anh Bùi ra phụ nữa”, chị Thơm - vợ anh Bùi kể.
Nhiều người cùng vay
Nhận thấy nguồn vốn 120 có nhiều điểm hấp dẫn (mỗi hộ được giải quyết cho vay từ 10 đến 20 triệu đồng tùy vào hoàn cảnh gia đình với mức lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng), nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Bến Cát đã đăng ký vay vốn để phát triển kinh tế gia đình.
Tính đến cuối tháng 7-2013, toàn huyện Bến Cát có 518 hộ gia đình tham gia chương trình vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm với tổng dư nợ lên đến hơn 8,9 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, toàn huyện có 61 hộ gia đình vay mới với tổng số vốn giải ngân hơn 1 tỷ đồng.
Mỗi năm, huyện Bến Cát có hàng trăm hộ vay vốn từ nguồn vốn 120 với tổng mức vốn được giải ngân lên đến hàng chục tỷ đồng. Phần lớn các hộ vay vốn ở Bến Cát sử dụng đồng vốn vào mục đích trồng trọt và kinh doanh buôn bán nhỏ. Điều đáng nói là việc thu hồi nguồn vốn 120 ở Bến Cát diễn ra khá nhanh chóng. “Theo báo cáo của các xã, thị trấn, phần lớn những hộ dân vay vốn 120 đều sử dụng đồng vốn khá hiệu quả. Tính đến nay, trên địa bàn huyện chưa có trường hợp nào mất vốn”, ông Phan Văn Tín, Phó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Cát cho biết. Ông Tín cho biết thêm, hiện tại nguồn vốn 120 không còn được Trung ương rót về, nên mọi công tác giải quyết cho vay nguồn vốn này trên địa bàn huyện đều dựa vào nguồn thu hồi từ các hộ vay trước đó. Tạm thời, địa phương sẽ giữ nguồn vốn đó để cho vay xoay vòng, giúp người dân phát triển kinh tế.
ĐÌNH THẮNG