Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Cập nhật: 03-12-2015 | 08:56:07

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (TNMT) là tình trạng giới hạn thông khí ở phổi, không thể hồi phục hoàn toàn. Luồng lưu thông khí bị tắc nghẽn, lượng khí cặn trong phổi gia tăng, làm bệnh nhân khó thở. Khi bị bệnh phổi TNMT, thành của đường dẫn khí dày lên, phù nề nên hẹp lại, không khí khó đi vào phổi; các phế nang bị phá hủy, làm tăng tình trạng ứ khí và giảm khả năng trao đổi khí ở phổi.

Bệnh phổi TNMT thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm, thường gặp ở nam nhiều hơn nữ; Những người tiếp xúc thường xuyên với khói, bụi nghề nghiệp; tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với khói bếp than; bị nhiễm khuẩn hô hấp khi còn nhỏ.

Bệnh phổi TNMT ở giai đoạn đầu thường có những biểu hiện như: ho, có nhiều đàm nhớt, khó thở. Khi đến giai đoạn muộn, vách của các phế quản bị xơ hóa, tạo thành sẹo, các phế nang bị phá hủy, gây nghẽn đường thở, dẫn đến suy hô hấp. Bệnh tiến triển kéo dài trong nhiều năm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, hạn chế khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, tình trạng bệnh ngày càng nặng dần lên và cuối cùng dẫn đến tử vong.

Bệnh phổi TNMT thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy, những người thuộc nhóm có nguy cơ cao và có các triệu chứng ban đầu như ho, khạc đờm kéo dài, khó thở khi gắng sức, nên đến cơ sở y tế để được khám, kiểm tra chức năng phổi và điều trị. Hiện nay, chưa có phương pháp nào để chữa khỏi hoàn toàn bệnh phổi TNMT, nhưng có thể làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi người bệnh tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể người bệnh sẽ bớt khó thở, ít ho, khỏe mạnh, phấn khởi, yêu đời và có thể hoạt động nhiều hơn.

Đối với những người thuộc nhóm có nguy cơ cao và người mắc bệnh phổi TNMT, cần thực hiện tốt những điều sau đây:

- Hãy đến ngay cơ sở y tế khi bạn có những dấu hiệu như: ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng. Hãy khám và đo chức năng hô hấp để xác định xem liệu bạn có mắc bệnh phổi TNMT không.

- Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào. Đây là việc quan trọng đầu tiên nên làm, nếu bạn là người hút thuốc lá, thuốc lào.

- Giữ không khí trong nhà thật sạch, thoáng. Tránh khói và các loại khí gây khó thở, tránh tiếp xúc với khói bếp than.

- Luyện tập, giữ cho thân thể khỏe mạnh, tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ, đi bộ và tập thể dục đều đặn hàng ngày, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.

- Dùng đúng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn cần đến khám lại định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt bùng phát của bệnh.

- Nếu bạn bị mức độ nặng, hãy sống lạc quan và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khỏe cho phép.

- Đến bệnh viện ngay khi bạn có các biểu hiện như: Nói chuyện, đi lại khó khăn, môi hay móng tay tím tái, nhịp tim và mạch rất nhanh hoặc không đều, thuốc dùng thường ngày không còn tác dụng đủ lâu, hay không còn tác dụng, thở vẫn gấp và khó thở.

BS. CAO THANH TÙNG (Trung tâm TTGDSK)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1103
Quay lên trên