Bệnh quai bị đã được ghi nhận tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Quai bị là bệnh truyền nhiễm, có thể tự khỏi sau một tuần phát bệnh. Tuy nhiên nếu không có các biện pháp phòng tránh lây lan, bệnh có thể lây truyền rộng trong cộng đồng…
Tiêm chủng là cách phòng ngừa bệnh quai bị tốt nhất cho trẻ. Trong ảnh: Trẻ em tiêm phòng tại Trạm y tế phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An
Theo ghi nhận tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK), trong những ngày qua, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị bệnh quai bị đang gia tăng. Mỗi ngày có khoảng 4 - 5 bệnh nhi nằm điều trị nội trú tại khoa nhi do bệnh quai bị và các biến chứng của bệnh.Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh, cho biết bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng quai bị gây ra có tên gọi là Rubulavirus. Đặc trưng của bệnh là viêm tuyến nước bọt (chủ yếu là tuyến mang tai). Bệnh thường tự khỏi sau một tuần phát bệnh, tuy nhiên một số biến chứng có thể xảy ra, như: viêm não hoặc viêm màng não. Viêm não do quai bị thường xảy ra đồng thời hoặc sau khi mắc bệnh quai bị khoảng 2 - 3 tuần, tỷ lệ viêm não là 1/4.000 - 1/6.000 trường hợp quai bị. Viêm não do quai bị có thể để lại di chứng thần kinh, như: động kinh, chậm phát triển tâm thần… Ngoài ra, bệnh quai bị còn có thể gây nên một số biến chứng khác như viêm tinh hoàn. Biến chứng viêm tinh hoàn hiếm gặp ở trẻ em trước tuổi dậy thì, nhưng hay gặp ở thanh thiếu niên sau tuổi dậy thì với tỷ lệ 25 - 40%. Tiến triển của viêm tinh hoàn do quai bị thường dẫn đến teo tinh hoàn sau 2 - 4 tháng mắc bệnh, với tỷ lệ 30 - 40% viêm tinh hoàn, tuy nhiên hiếm khi gây vô sinh thật sự. Đối với phụ nữ, có thể viêm buồng trứng do quai bị.
Bệnh quai bị đã xuất hiện rải rác trên địa bàn tỉnh và qua tìm hiểu của chúng tôi, có một số phụ huynh, khi nghi ngờ con em mình mắc bệnh quai bị đã tự trị bệnh cho trẻ bằng cách “làm phép” (theo cách gọi dân gian - đóng dấu tròn vào chỗ sưng bên má trẻ). Tuy nhiên, theo các bác sĩ, cách làm này không có hiệu quả. Bác sĩ Minh Nguyệt nói rằng: “Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh quai bị, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng người bệnh. Bệnh do vi rút gây ra nên thường tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Vì vậy, bà con điều trị bệnh bằng cách “làm phép” sẽ không có hiệu quả. Khi nghi ngờ trẻ bị bệnh quai bị, hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, giúp phát hiện và ngăn ngừa các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra”.
Bác sĩ Minh Nguyệt cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh rằng, khi phát hiện con mình mắc bệnh quai bị, cần cho trẻ nghỉ ngơi, tránh vận động nhiều; không bôi hoặc đắp các thuốc dân gian, như: vôi, trầu nhai… để tránh nhiễm độc cho trẻ; cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, dễ nuốt, sử dụng các thuốc hạ sốt, giảm đau như Paracetamol; vệ sinh tốt vùng răng miệng như chải răng, súc miệng bằng nước muối…
Quai bị là bệnh lây truyền, có thể lây lan qua đường hô hấp khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi. Thời điểm lây lan là một tuần trước khi sưng tuyến mang tai và hai tuần sau khi sưng tuyến mang tai. Vì thế, theo bác sĩ Minh Nguyệt để tránh lây lan trong cộng đồng, cần cách ly người bệnh với người lành cho đến khi khỏi hẳn. Song song đó, người bệnh và người nhà nên giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh như: không sử dụng chung các dụng cụ ăn uống, che miệng khi ho, hắt hơi, lau nhà thường xuyên… Cách tốt nhất để phòng bệnh quai bị là tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh. Vắc-xin phòng bệnh quai bị thường kết hợp với phòng sởi và rubella (MMR).
LỊCH TIÊM NGỪA VẮC-XIN PHÒNG NGỪA BỆNH QUAI BỊ:
+ Trẻ từ 9 tháng-12 tháng: tiêm 3 lần.
Lần 1: lúc trẻ 9 tháng.
Lần 2: sau lần 1 sáu tháng.
Lần 3: từ 4-12 tuổi.
+ Trẻ từ 12 tháng - 5 tuổi: tiêm 2 lần.
Lần 1: lúc 12 tháng tuổi.
Lần 2: lúc 4-12 tuổi.
+ Trẻ trên 5 tuổi và người lớn: chỉ tiêm 1 mũi duy nhất.
HỒNG THUẬN