Hiện nay đang là mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng tăng cao ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Riêng tại Bình Dương, bệnh SXH hiện nay vẫn lưu hành và được ghi nhận có sự gia tăng so với cùng kỳ năm trước…
Thường xuyên thực hiện vệ sinh môi trường sống, muỗi sẽ không có nơi sinh sản, phát triển để truyền bệnh là cách phòng chống bệnh SXH hữu hiệu nhất. Ảnh: H.THUẬN
Đến cuối tháng 7-2016, trên địa bàn tỉnh có 1.510 ca mắc bệnh SXH, không có trường hợp tử vong. Theo ghi nhận của ngành y tế, bệnh SXH xảy ra tại tất cả các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh; trong đó những địa phương có số ca mắc tăng so cùng kỳ 2015 là TP.Thủ Dầu Một 387 ca (tăng 61,92%), TX.Thuận An 323 ca (tăng 39,22%), TX.Tân Uyên 237 ca (tăng gấp 2,03 lần)... Theo nhận định của ngành y tế, diễn biến theo chu kỳ của dịch SXH, thời tiết thất thường, ổ chứa lăng quăng đa dạng, phong phú và ý thức một bộ phận người dân, nhất là lao động ngoài tỉnh về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế là những yếu tố nguy cơ gia tăng bệnh SXH và nguy cơ bùng phát dịch SXH có thể sẽ xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Bệnh SXH thường tăng cao trong mùa mưa, ngoài yếu tố thời tiết, còn do ý thức người dân còn hạn chế trong phòng chống bệnh. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Thực tế qua các đợt kiểm tra, giám sát, chúng tôi nhận thấy hầu hết người dân đều có kiến thức về phòng chống dịch bệnh SXH, nhưng ý thức, hành vi phòng chống dịch bệnh SXH của một bộ phận người dân còn hạn chế. Chỉ cần các hoạt động đơn giản như: giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân, ngủ màn, đổ bỏ các vật dụng phế thải chứa nước… là đủ để khống chế sự lan truyền của bệnh SXH cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, một số hộ dân chưa có ý thức, hành vi tự giác thực hiện các hoạt động này. Do đó, các ổ chứa lăng quăng trên địa bàn còn rất nhiều và bệnh SXH vẫn còn gia tăng dù ngành y tế đã cố gắng triển khai các hoạt động phòng chống SXH. Và đây cũng là yếu tố rất quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ lây nhiễm SXH trong cộng đồng”.
Tình hình thời tiết thay đổi thất thường; sự đa dạng, phong phú của các vật dụng chứa nước (là ổ lăng quăng), ý thức người dân còn hạn chế nên nguy cơ bùng phát dịch có thể xảy ra. Trước tình hình đó, bác sĩ Huỳnh Thanh Hà cho biết ngành y tế đã, đang và sẽ chủ động, quyết liệt trong công tác phòng chống SXH. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh, ngành y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động phòng chống SXH; tham mưu UBND tỉnh triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống dịch bệnh Zika, SXH và tay chân miệng; tổ chức phun hóa chất diện rộng diệt muỗi tại các vùng nguy cơ… Các hoạt động này được triển khai thực hiện thường xuyên từ tháng 5 đến tháng 12- 2016 tại tất cả các địa bàn. Ngành y tế hy vọng qua các hoạt động này sẽ cơ bản khống chế dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh trong tầm kiểm soát.
Có thể thấy rằng, việc phòng bệnh SXH nói riêng, các bệnh truyền nhiễm nói chung trong mùa mưa là hết sức quan trọng. Vì thế, ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh như tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tổ chức chiến dịch; phun hóa chất diệt muỗi diện rộng; chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, tổ chức trực cấp cứu, điều trị kịp thời, hiệu quả cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, về công tác giám sát, ngành cũng đã tổ chức giám sát từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã và thôn, ấp theo quy định. “Đặc biệt, tại các vùng trọng điểm, chúng tôi vừa triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường như khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, đổ bỏ các vật dụng phế thải chứa nước; vừa tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh…”, bác sĩ Hà nói
HỒNG THUẬN