Từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng cao. Tình hình ca bệnh được ghi nhận liên tục tăng lên, các bệnh viện cũng đang trong tình trạng quá tải…
Bệnh viện quá tải
Đã gần 12 giờ trưa, nhưng các y, bác sĩ, điều dưỡng ở Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh vẫn tất bật với công việc điều trị, cấp cứu cho bệnh nhi. Hiện tại, khoa có 160 giường nhưng con số bệnh nhân đang điều trị nội trú lên đến 360 trường hợp, một giường phải nằm từ 2 - 3 bệnh nhân. Phòng hồi sức cấp cứu của khoa cũng đang trong tình trạng quá tải tương tự. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Nhưỡng, Phó Trưởng khoa nhi BVĐK tỉnh, cho biết số lượng bệnh nhi nhập viện tăng cao, khoa đang quá tải nên đội ngũ y, bác sĩ luôn phải động viên nhau cố gắng làm việc, tăng ca thêm mới bảo đảm được tiến độ công việc đang diễn ra hàng ngày.
Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Phòng Hồi sức cấp cứu Khoa Nhi BVĐK tỉnh
Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, nhưng thường tăng cao từ tháng 4 - 6 và từ tháng 9 - 12. Hiện nay, đang vào giai đoạn cao điểm thứ 2 trong năm, nên lượng bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng cao là điều khó tránh khỏi. Bác sĩ Nhưỡng cho biết, so với những tháng bình thường, lượng bệnh nhi điều trị tay chân miệng tại Khoa Nhi BVĐK tỉnh từ đầu tháng 9 đến nay tăng hơn 10 lần. Bệnh nhi nhập viện điều trị đang tăng cao, trong đó chủ yếu là bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Trung bình một ngày có từ 20 - 30 ca nhập viện điều trị vì bệnh tay chân miệng, đó là chưa kể số bệnh đến khám ngoại trú cũng khoảng 30 ca/ngày. Trong số trẻ nhập viện điều trị có từ 1 - 2 ca có biến chứng thần kinh phải nằm điều trị ở phòng hồi sức cấp cứu của khoa…”.
Tại các địa phương, bệnh tay chân miệng hiện nay được ghi nhận đang tăng cao hơn rất nhiều so với những tháng trước đây. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 28-9), toàn tỉnh ghi nhận 3.404 ca tay chân miệng, so với cùng kỳ có giảm hơn nhưng không đáng kể (cùng kỳ năm 2017 ghi nhận 3.433 ca). Tuy nhiên, theo bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ khoảng đầu tháng 8 đến nay, lượng bệnh trên địa bàn tỉnh bắt đầu tăng cao. TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát là những địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao.
Tăng cường công tác phòng chống
Từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng do một phần đây là thời điểm vào đầu năm học mới. Trường học là nơi tập trung đông học sinh, nên nếu có ca bệnh rất dễ lây lan. Tay chân miệng là một trong những dịch bệnh xảy ra rải rác quanh năm, thế nên, để chủ động phòng chống, ngay từ đầu năm, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường công tác phòng chống, nhất là tuyên truyền tại các trường tiểu học, mẫu giáo, mầm non trong dịp đầu năm học mới. Các địa phương cũng thường xuyên đi giám sát, nhất là tại các nhà trẻ, mẫu giáo và hướng dẫn nhà trường thường xuyên thực hiện giữ gìn vệ sinh cá nhân cho các em, người chăm sóc trẻ và đồ chơi. Việc tuyên truyền ở các trường học tập trung vào cung cấp những kiến thức cơ bản về phòng chống bệnh tay chân miệng cho giáo viên, làm sao phát hiện sớm trẻ mắc bệnh, khi phát hiện bệnh phải cách ly (cho trẻ nghỉ học) trong khoảng thời gian 10 ngày để tránh lây cho những em khác…
Qua giám sát ca bệnh trên địa bàn cho thấy, bệnh tay chân miệng tập trung chủ yếu ở các em nhỏ, trong đó nhóm nhà trẻ dân lập phát hiện ca bệnh nhiều hơn. Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, cho biết: “Ở những nơi này, điều kiện cơ sở vật chất khá chật chội, khâu thực hiện vệ sinh còn chưa được chú trọng và vì một phần kiến thức của người chăm sóc trẻ không bài bản nên họ ít quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh cho các em. Việc vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh rất quan trọng. Người chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay thường xuyên, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, cần báo liền cho phụ huynh để họ đưa con em mình đi khám, điều trị kịp thời…”.
Bệnh tập trung ở trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó độ tuổi dễ bị biến chứng là dưới 3 tuổi. Mới đây vào ngày 1-10, Khoa Nhi đã tiếp nhận một bệnh nhân mắc tay chân miệng dưới 1 tuổi, khi nhập viện bé được đưa vào phòng hồi sức cấp cứu ngay vì bị biến chứng nặng. Bác sĩ Nhưỡng chia sẻ, mặc dù mới mắc bệnh ngày thứ 2 nhưng khi nhập viện, bệnh đã ở mức độ 3 với những biểu hiện co giật, thở không đều, biểu hiện suy hô hấp nên phải cho vào phòng hồi sức cấp cứu thở máy. Sau đó, bệnh nhi được chuyển viện lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) để tiếp tục điều trị. Đây là một trong những trường hợp bệnh tay chân miệng dưới 3 tuổi biến chứng nặng. “Năm nay, týp vi rút gây bệnh tay chân miệng EV71 quay trở lại. Nếu nhiễm týp vi rút này các cháu thường gặp phải những biến chứng nặng về thần kinh, suy hô hấp…”, bác sĩ Nhưỡng nói.
Đến nay, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Thế nên, đối với bệnh tay chân miệng các bác sĩ luôn nhấn mạnh rằng, phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Các chuyên gia sức khỏe cho rằng, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn được hiểu như “liều vắc xin” hiệu quả, tiết kiệm phòng ngừa hữu hiệu các bệnh tay chân miệng, bệnh đường tiêu hóa… mà lúc nào cũng có thể thực hiện để bảo vệ sức khỏe. Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn rất đơn giản, dễ thực hiện, ai cũng biết nhưng không phải ai cũng thực hiện thường xuyên. Vì thế, trong cao điểm dịch bệnh tay chân miệng hiện nay, các bậc ba mẹ, người trông giữ trẻ nên lưu ý và thường xuyên thực hiện rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh cho con em mình.
Bệnh tay chân miệng đang diễn ra tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải bảo đảm được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi). Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường...
HỒNG THUẬN