Bình Dương đổi mới, thành tựu và khát vọng- Bài 3

Cập nhật: 21-05-2021 | 08:16:58

Trong mỗi chặng đường phát triển của tỉnh luôn có những thuận lợi, khó khăn đan xen, song nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Chính phủ cùng sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa Bình Dương vượt qua khó khăn, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Những kết quả đạt được là rất đáng tự hào, trân trọng nhưng Bình Dương luôn ý thức rằng để xây dựng tỉnh ngày càng hiện đại, giàu đẹp, văn minh, sẽ còn nhiều khó khăn đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ khát vọng vươn lên…

Bài 1: Dấu ấn của tầm nhìn và hành động sáng tạo

Bài 2: Vững vàng vượt “sóng cả”

Bài 3: Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm

Là thành viên chính thức của tổ chức Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA), hình ảnh Bình Dương năng động, sáng tạo đã đến gần với bạn bè quốc tế, thúc đẩy xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Trung tâm công nghiệp hiện đại

Với phương châm “hạ tầng đi trước và đón đầu”, trong nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn quyết liệt chỉ đạo thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 13.000 ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 800 ha. Thời gian qua, các khu, cụm công nghiệp đã giúp kinh tế của tỉnh phát triển mạnh mẽ, chỉ số công nghiệp của tỉnh tăng ổn định.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Thường trực Ban Bí thư), nhấn mạnh: “Mục tiêu tổng quát phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước thể hiện tầm nhìn xa, khát vọng lớn và quyết tâm cao về sự phát triển của tỉnh. Tôi bày tỏ đồng tình và tin tưởng Đảng bộ, nhân dân Bình Dương sẽ phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu cao đẹp này”.

Cùng với hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở nói chung và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, trong những năm qua tỉnh thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và tạo động lực để phát triển đô thị, dịch vụ trên địa bàn. Thực tế cho thấy lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đang phát triển theo chiều sâu gắn với liên kết chuỗi giá trị các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển dịch tích cực, giảm dần các ngành thâm dụng lao động, đồng thời tăng cường các ngành ứng dụng khoa học - công nghệ, trong đó công nghiệp chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo của ngành. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, máy móc hiện đại hạn chế ảnh hưởng môi trường, đồng thời xây dựng các chính sách thúc đẩy sự chuyển dịch phát triển công nghiệp lên phía bắc của tỉnh và chuyển đổi công năng các khu công nghiệp phía nam của tỉnh.

Với mục tiêu xây dựng Bình Dương thành trung tâm công nghiệp phát triển, trong nhiệm kỳ 2020-2025, lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ. Theo đó, tỉnh phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, ổn định tốc độ tăng trưởng và giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác; nghiên cứu, triển khai các giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, giảm dần tỷ lệ gia công, lắp ráp, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các chương trình đổi mới công nghệ; tập trung thúc đẩy phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm có tiềm năng và còn dư địa lớn như công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất phần mềm, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới… Song song đó, tỉnh sẽ ưu tiên mời gọi, thu hút hoặc mở rộng đầu tư những ngành nghề đang có tiềm năng lớn, có hàm lượng khoa học công nghệ cao và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy nhanh thực thi hiệu quả những định hướng trên sẽ góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp của tỉnh, đưa Bình Dương sớm trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại trong thời gian tới.

Trở thành đô thị thông minh

Bên cạnh mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại vào năm 2030, Bình Dương phấn đấu đến năm 2045 sẽ trở thành đô thị thông minh của vùng và cả nước. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh sẽ tập trung vào các đột phá chiến lược, như: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương.

Về xây dựng TPTM, Tỉnh ủy đã sớm có chủ trương xây dựng TPTM từ năm 2016. Ý tưởng này đã thể hiện khát khao vươn lên mạnh mẽ của các thế hệ lãnh đạo, chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong tỉnh. Đến nay, các nội dung, chương trình thuộc Đề án “TPTM Bình Dương” đã được các cơ quan, đơn vị và các nhà đầu tư triển khai thực hiện quyết liệt và đạt được những kết quả bước đầu rất tích cực. Việc triển khai đề án từng bước hình thành khung nền của mô hình 3 nhà; phát triển hệ thống nghiên cứu khoa học công nghệ và khởi nghiệp. Trong đó, hệ sinh thái khởi nghiệp bắt đầu được hình thành và hoạt động với các dự án Vườn ươm doanh nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Việc thực hiện có hiệu quả các bước khởi đầu xây dựng TPTM đã gây ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè trong và ngoài nước. Hiện Bình Dương là thành viên chính thức của tổ chức Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA), là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF). Liên tục trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, tỉnh đã được ICF vinh danh là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới (SMART 21). Có thể nói đề án xây dựng TPTM đã đạt được những thành tựu và đóng góp nhiều ý tưởng có giá trị, thiết thực, là nền tảng để tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án cụ thể. Mặt khác những kết quả bước đầu trong xây dựng TPTM đã đóng góp và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là những đột phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư, từng bước khẳng định vị thế của tỉnh trên trường quốc tế.

Trong chiến lược phát triển sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Đề án “Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương” với quy hoạch Khu công nghiệp khoa học - công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tỉnh cũng sẽ nâng cao tỷ trọng dịch vụ, trong đó đặc biệt đẩy mạnh thương mại điện tử, thương mại quốc tế với dự án tiêu biểu là Trung tâm Thương mại thế giới. Trung tâm sau khi được xây dựng đưa vào hoạt động sẽ là một trong những công trình tạo lực của thành phố mới Bình Dương. Từ nơi này sẽ kết nối giao thông thuận tiện với các vùng của tỉnh và kết nối với TP.Hồ Chí Minh. Cuối năm 2019, Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA) đã công bố kết nạp Trung tâm Thương mại thế giới tại thành phố mới Bình Dương trở thành thành viên chính thức của hiệp hội này. Với việc trở thành thành viên chính thức của WTCA, Bình Dương có nhiều cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, tạo cầu nối, môi trường để doanh nghiệp trong nước tiếp xúc với các đối tác trên toàn cầu.

Với những thành tựu đã đạt được và truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm cùng tầm nhìn rộng mở và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bình Dương sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, phấn đấu xây dựng địa phương ngày càng hiện đại, giàu đẹp, văn minh và là TPTM trong tương lai.

Giai đoạn 2021-2025, Bình Dương đặt ra các chỉ tiêu: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm. Cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%/năm. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 9 tỷ đô la Mỹ.

TRÍ DŨNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1033
Quay lên trên