Bình Dương, hành trình phát triển và thành tựu hôm nay - Kỳ 6

Cập nhật: 24-06-2021 | 08:56:19

Kỳ 6: Chăm lo tốt an sinh xã hội, đời sống người lao động

 Song song với phát triển kinh tế, Bình Dương luôn đề ra các giải pháp chăm lo đời sống đối tượng chính sách, hộ nghèo, người lao động (NLĐ), giúp các đối tượng này được thụ hưởng nhanh nhất các thành quả phát triển của tỉnh. Các chương trình vốn vay, hỗ trợ của các cấp, các ngành đã giúp hình thành nên các mô hình kinh tế để nâng mức thu nhập hộ nghèo Bình Dương vượt chuẩn so với cả nước. Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ mở ra cơ hội việc làm mà còn giúp nhiều lao động nghèo vươn lên khá, giàu.

 Liên đoàn Lao động tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình chăm lo cho công nhân lao động, trong đó có chương trình trao tiền ủng hộ công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tại các doanh nghiệp

 Chăm lo đối tượng chính sách, hộ nghèo

Hiện nay, nếu có dịp đi đến các xã vùng xa của huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, nhiều người sẽ dễ dàng cảm nhận thấy khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ở Bình Dương không còn xa. Bên cạnh những con đường nhựa thẳng tắp trải dài đến các vùng quê là sự hiện diện của những khu dân cư sầm uất, nhà cửa khang trang, đầy đủ các loại hình dịch vụ thiết yếu.

Anh Nguyễn Duy, một gia đình có công ở xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng chia sẻ, gia đình anh luôn được chính quyền quan tâm rất tốt về các chế độ. Ngày lễ, tết, gia đình lại càng vui khi được địa phương thăm hỏi, tặng quà. “Nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, người có công từ 10 năm trước, gia đình tôi trồng cao su, chăn nuôi, nhờ đó mới có được cuộc sống ổn định như hôm nay. Chúng tôi cũng rất vui khi nhìn thấy địa phương thay đổi từng ngày”, anh Duy nói.

Cũng theo anh Duy, hiện nay khoảng cách giữa thành thị và nông thôn không còn quá xa. Bây giờ ngồi ở nhà, cách thị trấn cả chục km vẫn vô tư sử dụng internet, mua hàng qua mạng. Đường nhựa, bê tông kéo tới cửa nhà, bánh xe không còn dính bùn đất. Với đà phát triển này, con em nông thôn cũng có điều kiện phát triển tốt hơn về mọi mặt. Bên cạnh đó, nhờ các chính sách chăm lo hộ nghèo, đối tượng chính sách của các cấp chính quyền, nhiều gia đình nông thôn khá lên, thậm chí vươn lên làm giàu.

Để chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, người có công, Bình Dương luôn đề ra các giải pháp thiết thực. Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách, tỉnh còn vận động sự đóng góp từ người dân, doanh nghiệp vào Quỹ “Vì người nghèo”. Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mở ra nhiều cơ hội cho người nghèo vươn lên. Mỗi năm, chương trình này không chỉ mở ra cơ hội việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, mà các cấp còn tạo cơ hội cho họ tiếp cận các nguồn vốn vay. Nhờ đó, không ít người đã mạnh dạn mở các phân xưởng nhỏ để gia công, mở quán kinh doanh, từ đó trở thành những ông chủ, bà chủ.

Để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, hàng năm, các địa phương phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại hộ nghèo trên địa bàn các xã, phường, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo để từ đó đề ra biện pháp giảm nghèo thiết thực.

Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Để người nghèo thoát nghèo bền vững, bên cạnh đào tạo nghề, công tác giám sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hộ nghèo luôn được các ngành, các cấp quan tâm để từ đó tìm ra cách để giúp người nghèo thoát nghèo. Khi địa phương tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn, phải biết họ vay để làm gì, có hiệu quả hay không để kịp thời tư vấn, trợ giúp. Công tác chăm lo cho học sinh nghèo, người có công là vấn đề luôn được địa phương quan tâm hàng đầu. Nhờ đó mà những năm qua, Bình Dương không còn hộ nghèo so với mức chuẩn cả nước. Chuẩn nghèo tại Bình Dương đã vượt mức chuẩn quốc gia 1,7 lần”.

Quan tâm đời sống người lao động

Không ít công nhân lao động khi đến Bình Dương lập nghiệp đã mua được đất, xây được nhà, tạo dựng gia đình hạnh phúc. Để có nhà cho NLĐ, Bình Dương đã có đề án xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân từ nhiều năm trước, hay các dự án nhà ở xã hội thu nhập thấp; qua đó đã mở ra cơ hội có nhà cho hàng ngàn người. Các khu nhà ở xã hội Định Hòa, Hòa Lợi, Bàu Bàng... không ngừng được mở rộng những năm gần đây. Để NLĐ có nhà, không ít công ty còn tạo dựng nguồn quỹ cho công nhân vay với lãi suất thấp. Bên cạnh đó, được sự quan tâm, vận động từ các cấp chính quyền, không ít doanh nghiệp, khu công nghiệp còn mở các trường mầm non, tiểu học, hỗ trợ rất nhiều cho NLĐ trong việc nuôi dạy con cái...

Gần 2 năm nay, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đã ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập, đời sống của NLĐ. Để giúp NLĐ vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã phối hợp với các cấp chính quyền quan tâm, chăm lo NLĐ bằng nhiều việc làm thiết thực. Còn nhớ, trong tháng 4-2020, khi địa phương thực hiện giãn cách xã hội, NLĐ trên địa bàn tỉnh lâm vào khó khăn vì không có thu nhập. Các cấp chính quyền đã nhanh chóng vào cuộc vận động toàn dân tham gia giúp đỡ NLĐ. Đó là hàng ngàn chủ trọ giảm giá thuê phòng, thậm chí có chủ trọ miễn tiền thuê trọ trong 2 tháng liền. Đồng loạt người dân Bình Dương ra tay cứu trợ cho NLĐ bằng cả vật chất lẫn tinh thần.

Trong khoảng thời gian đó, trên các trục đường ở TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An...; đông đảo người dân tham gia làm từ thiện như phát khẩu trang miễn phí, phát cơm, phở, bánh mì... Nhiều chủ quán ăn, nhà hàng đã vận động nhân viên nấu hàng ngàn xuất ăn miễn phí phát trên các trục đường. Hội Chữ thập đỏ các cấp kêu gọi đóng góp hàng trăm tấn gạo, mì gói, nhu yếu phẩm đưa đến tận tay người nghèo, NLĐ khó khăn. Ngay sau đợt dịch bệnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo LĐLĐ tỉnh nhanh chóng lập danh sách NLĐ khó khăn để hỗ trợ kinh phí, cho vay tiền với lãi suất thấp thông qua nguồn Quỹ CEP.

Năm nay, khi đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 xuất hiện, các cấp chính quyền lại nhanh chóng vào cuộc giúp NLĐ. Bên cạnh các phần quà đưa đến từng phòng trọ, khu cách ly hỗ trợ cho NLĐ khó khăn, LĐLĐ tỉnh cũng đã kịp thời hỗ trợ 3 triệu đồng/người với các trường hợp công nhân thuộc diện F0; 1,5 triệu đồng/người đối với F1 và 500.000 đồng/người đối với F2. Mỗi ngày trôi qua, cùng với công tác phối hợp cùng với các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch bệnh, LĐLĐ tỉnh không ngừng ra sức kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp ủng hộ vào Quỹ phòng, chống dịch bệnh, “Vắc xin cho công nhân”. Cán bộ các cấp công đoàn không chỉ phát động kêu gọi mà còn đóng góp tiền để mua từng thùng mì, làm từng kg chà bông gửi vào khu cách ly cho NLĐ.

Năm nay, do dịch bệnh, các chương trình vui chơi mỗi dịp lễ hay tết đến xuân về không được tổ chức, nhưng bù lại là những phần quà giá trị đến tận tay NLĐ. Các chương trình chăm sóc tết cho NLĐ, hỗ trợ công nhân lao động bị ảnh hưởng bão lụt, thăm hỏi NLĐ bị bệnh đau, tai nạn luôn được tỉnh thực hiện chu đáo.

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: “Bên cạnh sự quan tâm từ các cấp chính quyền, các ban ngành, đơn vị, nhìn chung đời sống NLĐ vẫn còn nhiều khó khăn. Tùy vào mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, LĐLĐ tỉnh sẽ có những đề xuất lên các cấp chính quyền, cơ quan hữu quan nhằm kịp thời chăm lo đời sống NLĐ thời gian tới”.

Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: “Để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, các ngành, các cấp cần đổi mới nhận thức, cách làm, vận dụng linh hoạt các chính sách trong công tác giảm nghèo; phải khơi dậy được ý chí, tinh thần tự lực vươn lên trong mỗi hộ nghèo”.

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=508
Quay lên trên