Bình Dương làm tốt công tác tổ chức lễ hội

Cập nhật: 05-03-2018 | 08:25:18

 Năm 2017, Bình Dương diễn ra nhiều lễ hội, trong đó phải kể đến là Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017, lễ hội Rằm tháng giêng, Lái Thiêu mùa trái chín… Với nỗ lực của Ban chỉ đạo (BCĐ), Ban tổ chức (BTC) lễ hội, cộng với sự phối hợp nhịp nhàng của các ban ngành, đoàn thể, nhân dân trong tỉnh, các lễ hội đã diễn ra thành công để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân Bình Dương và khách thập phương. Và từ đó, Bình Dương cũng được Trung ương đánh giá cao công tác tổ chức lễ hội.

 Nhiều lễ hội ấn tượng

Nhắc đến lễ hội trong năm 2017 trên địa bàn tỉnh, mọi người đều không thể quên được Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017. Lễ hội diễn ra vào tháng 4-2017, tại TP.mới Bình Dương do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Bình Dương tổ chức. Đây là một ngày hội lớn cho những người yêu nghệ thuật tài tử, yêu dòng nhạc quê hương. Đến với lễ hội, du khách không chỉ được thưởng thức những giọng ca ngọt ngào hòa với tiếng đờn kìm, đờn ghi ta phím lõm… mà còn được thưởng thức các món ăn đặc sản các tỉnh miền Nam. Ấn tượng hơn du khách còn được xem chương trình khai mạc, bế mạc vừa thể hiện hơi thở, cuộc sống vùng đất phương Nam, sức sống mãnh liệt của ĐCTT vùng đất Nam bộ nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng và sự phát triển của mảnh đất Bình Dương. “Tôi thật sự ấn tượng với Festival ĐCTT được tổ chức tại Bình Dương. Với việc bố trí hợp lý không gian ĐCTT tại công viên TP.mới như một dòng chảy của loại hình âm nhạc dân tộc khi các tỉnh tề tựu về đây cùng ca lên khúc nhạc quê hương. Đến đây, chúng tôi còn cảm nhận sự phát triển của tỉnh Bình Dương đầy năng động, sáng tạo”, ông Nguyễn Khắc Hoan, người Tiền Giang nói.

Bình Dương tổ chức thành công Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II

Lễ hội Rằm tháng giêng tại Bình Dương với lễ rước cộ Bà Thiên Hậu tuần du qua các tuyến đường chính khu vực chợ Thủ Dầu Một được xem là lễ hội lớn nhất miền Nam nhân dịp Rằm tháng giêng. Không ai còn nhớ, lễ hội được tổ chức từ năm nào, họ chỉ biết đến 15 tháng giêng âm lịch hàng năm, người dân trong và ngoài tỉnh lại háo hức đón chờ để được chiêm ngưỡng cộ Bà tuần du cầu mong một năm hạnh phúc, bình an. Lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho mọi người mà còn là nét văn hóa đặc trưng của tỉnh. Do đó để lễ hội diễn ra thành công, ấn tượng BCĐ lễ hội Rằm tháng giêng TP.Thủ Dầu Một, Ban Trị sự chùa Bà cùng các ngành đã phối hợp tổ chức. Nhiều năm gần đây, bên cạnh bảo đảm an ninh cho du khách, lễ hội còn được coi là lễ hội miễn phí, bởi khi đến dự lễ du khách được phát nước uống, thức ăn, vá xe, xe ôm… miễn phí.

Nhằm góp phần quảng bá hình ảnh vườn cây ăn trái Lái Thiêu, đồng thời phát triển du lịch ở vùng đất miệt vườn này, Bình Dương đã tổ chức lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín. Lễ hội có những hoạt động phong phú như hội chợ, triển lãm, văn nghệ và đặc biệt là du khách được thưởng thức những loại trái cây đặc sản Lái Thiêu như măng cụt, bòn bon, sầu riêng… những món ăn chế biến từ trái cây đặc sản như gỏi măng cụt, gà nước sầu riêng. Công tác tổ chức tốt, ấn tượng nên mỗi năm đến tháng 5 âm lịch, du khách lại chờ đợi mùa lễ hội để được đến với Bình Dương, được thưởng thức trái cây ngon và tham quan vườn cây ăn trái trĩu quả.

Phối hợp chặt chẽ

Để lễ hội tại Bình Dương đem lại sự hài lòng cho du khách, cũng như giữ gìn nét văn minh mùa lễ hội, theo ông Nguyễn Khoa Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chuẩn bị tổ chức lễ hội như Festival ĐCTT, hay lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo thành lập BCĐ lễ hội. Sau đó, BCĐ họp lên kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị, cá nhân. Ngoài ra, xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội các thành viên BCĐ túc trực liên tục để xử lý những vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, chính quyền vận động nhân dân hỗ trợ hết mình để lễ hội diễn ra thành công. Sau một mùa lễ hội đều họp đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm khắc phục những thiếu sót trong công tác tổ chức.

Cùng với công tác chuẩn bị thì công tác bảo đảm an ninh trật tự cho lễ hội cũng được BCĐ đặc biệt quan tâm, chú trọng. Theo đó, Công an tỉnh đã xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau lễ hội. Tại các địa điểm diễn ra các hoạt động lễ hội đều có phương án cụ thể, bố trí lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn. Vì vậy, đã không xảy ra những sự việc đáng tiếc suốt mùa lễ hội, vấn đề an toàn cho du khách được bảo đảm. Bà Bùi Thanh Hương, một du khách TP.Hồ Chí Minh đã nhiều lần tham dự lễ hội Rằm tháng giêng khẳng định, lễ hội ngày càng được tổ chức quy mô, hoành tráng, không gian mở rộng. Tới lễ hội bà cảm thấy an toàn, không có chuyện móc túi, cướp giật hoành hành. Người dân Bình Dương luôn vui vẻ, nhiệt tình, thân thiện, khiến bà và du khách cảm thấy rất thoải mái.

Ông Nguyễn Khoa Hải cho biết thêm, trong thời gian tới, Bình Dương có thể tổ chức thêm nhiều lễ hội để góp phần giới thiệu đất, con người Bình Dương đến với du khách; đồng thời phát triển du lịch. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh sẽ xem xét lựa chọn những lễ hội phù hợp để tổ chức, chỉ đạo sâu sắc các đơn vị phối hợp tốt để mùa lễ hội thật sự an toàn, văn minh, tiết kiệm, đầy ý nghĩa.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên