Bình Dương quyết liệt phòng chống dịch tả heo châu Phi

Cập nhật: 06-03-2019 | 09:05:06

Không chỉ tiếp giáp với Đồng Nai - được xem là “thủ phủ” ngành chăn nuôi, giết mổ heo vùng Đông Nam bộ, Bình Dương còn là cửa ngõ vận chuyển heo vào TP.Hồ Chí Minh của tỉnh Bình Phước cũng như các tỉnh Tây nguyên. Chính vì thế, tỉnh đã sớm có các phương án phòng chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn.

Lực lượng chức năng huyện Phú Giáo tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn heo trên địa bàn huyện. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG  

Người dân chủ động phòng ngừa

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, đại diện Công ty CJ Vina (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng), cho biết công ty đã huy động nhân lực, vật lực ưu tiên cho phòng, chống dịch bệnh tả heo châu Phi. “Hiện chúng tôi nuôi hơn 50.000 con heo, rải rác tại các trại của công ty lẫn các cơ sở gia công, nên việc phòng chống dịch tả heo châu Phi được công ty ưu tiên hàng đầu. Các khu chăn nuôi của công ty, cán bộ, nhân viên đều phải thay quần áo, giày dép, phải mặc đồ bảo hộ của trang trại. Ngoài việc phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi theo định kỳ, chúng tôi cách ly vật nuôi hoàn toàn với các nguồn có nguy cơ lây nhiễm”, đại diện công ty nói.

THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC: “Chống dịch như chống giặc”

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khác các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả heo châu Phi vào sáng 4-3. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải truyền thông tốt để người chăn nuôi vừa khẩn trương phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi nhưng cũng không nên hoang mang, bán tháo heo. Bởi, bệnh dịch này hiện chưa có vắc-xin phòng và thuốc chữa bệnh, khi xâm nhập đàn heo sẽ làm chết toàn bộ cả đàn, nhưng chỉ lây nhiễm ở heo nuôi và heo rừng, không gây bệnh cho người và các loài vật khác.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương kiểm soát được việc vận chuyển heo sống từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh phía Nam. Đồng thời, các địa phương vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, lợn chết; Không vứt heo chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Đến nay, đã có 20 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có báo bệnh dịch tả heo châu Phi; Việt Nam là nước thức 3 ở châu Á và đầu tiên ở Đông Nam Á có dịch này. Hiện Trung Quốc đã có 28 trong 53 tỉnh, thành phát hiện dịch với 110 ổ dịch và đã phải hủy 1 triệu con heo. Hôm qua, 90% ổ dịch đã được công bố hết dịch.

M.NGUYỄN

Những ngày qua, các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã nâng cao cảnh giác, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh để phòng, chống kịp thời. Khi biết thông tin các ổ dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại một số tỉnh phía Bắc, gia đình bà Võ Hồng Nga (huyện Phú Giáo) đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan thú y cho đàn heo nuôi của gia đình, như: Đặt các hố sát trùng ngay cổng ra - vào khu chăn nuôi và chuồng nuôi; bổ sung, thay thuốc sát trùng hàng ngày...

Không phải đợi đến khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, mà ngay từ khi có thông tin bùng phát bệnh dịch tả heo châu Phi ở một số nước lân cận, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có những bước đi chủ động để ứng phó kịp thời với dịch bệnh. Từ cuối năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động ứng phó với bệnh dịch tả heo châu Phi (Kế hoạch số 6089/KH-UBND). Nội dung kế hoạch đưa ra các hành động cụ thể ứng với 2 tình huống chưa xảy ra và đã xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi, từ đó chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với nguy cơ xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành chăn nuôi chú trọng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các cơ sở chăn nuôi và tổ chức hội thảo tập huấn chia sẻ thông tin kịp thời đến cán bộ kỹ thuật và chủ các trang trại trên địa bàn…

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khuyến cáo thời điểm này, người chăn nuôi cần theo dõi chặt chẽ những thông tin chính thống về dịch tả heo châu Phi, tuyệt đối không nghe lời đồn và những thông tin chưa được kiểm chứng. Người dân cũng cần thực hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Hiện dịch chỉ lây lan nhanh trên đàn heo, gây thiệt hại về kinh tế chứ chưa có cơ chế lây lan sang người. Chính vì thế, người dân không nên quay lưng với các sản phẩm được chế biến từ thịt heo, gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

Kiểm soát chặt chẽ

Một trong những công tác quan trọng bậc nhất trong việc phòng chống dịch tả heo châu Phi chính là việc kiểm tra, kiểm soát nguồn heo, thịt heo từ các tỉnh phía Bắc nhập vào Bình Dương qua cửa ngõ Đồng Nai trên quốc lộ 1. Lực lượng chủ đạo chính là đội ngũ cán bộ thú y của tỉnh và các Trạm Thú y huyện, thị, thành phố.

Có mặt tại cơ sở giết mổ gia súc của Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Bình Hòa (TX.Thuận An) chiều 5-3, chúng tôi cảm nhận được sự khẩn trương của các cán bộ thú y ở đây. Được biết, cơ sở này có công suất giết mổ khoảng 300 con heo mỗi ngày. Chính vì thế, công tác kiểm dịch ở đây rất gắt gao. Hàng ngày, Trạm Chăn nuôi và Thú y TX.Thuận An cắt cử 1 cán bộ cho ca ngày (từ 11 giờ đến 14 giờ) và 3 cán bộ trực ca đêm (từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau). Heo nhập về cơ sở đều phải được kiểm tra giấy tờ hợp lệ, còn nguyên dấu niêm phong của cơ quan thú y điểm xuất phát. Xe chở heo cũng phải được khử trùng rất kỹ trước khi vào cơ sở. Khi heo xuống xe, cán bộ thú y cũng phải kiểm tra tình trạng của từng con trước khi cho vào chuồng chuẩn bị giết mổ.

Anh Đào Văn Quý, cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y TX.Thuận An, cho biết từ khi các địa phương phía Bắc phát hiện các ổ dịch tả heo châu Phi, lực lương thú y tại địa phương túc trực cả ngày tại cơ sở để kiểm soát nguồn heo nhập vào cũng như thịt xuất ra cung ứng tại địa phương và TP.Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, chỉ cần một sai sót nhỏ thì hậu quả đối với đàn heo tại địa phương rất lớn. Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã đang đặc biệt chú ý đến các xe chở heo nhập từ một số tỉnh phía Bắc, vì đây là nguồn có nguy cơ lây nhiễm cao.

Chia sẻ với phóng viên, chị Hà Thị Phương Lan, 1 trong 17 hộ giết mổ gia súc tại Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Bình Hòa, nói: “Chúng tôi biết nếu xảy ra dịch không khác gì đập bể nồi cơm của mình, nên rất cảnh giác với heo không rõ nguồn gốc, đặc biệt là heo từ tỉnh khác đến. Hiện nay, chúng tôi chỉ dám nhập heo từ các trang trại được kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng”.

Theo ông Phạm Văn Dũng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TX.Dĩ An, ngay từ khi có thông tin dịch tả heo châu Phi bùng phát tại một số tỉnh phía Bắc, trạm đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm giết mổ heo trên địa bàn. Nếu có lô heo nào từ Bắc vào, trạm đặc biệt lưu ý kiểm tra thật kỹ và theo dõi chặt chẽ. Ngoài ra, theo tinh thần chỉ đạo của UBND TX.Dĩ An, đội kiểm tra liên ngành gồm cả lực lượng cảnh sát kinh tế và quản lý thị trường cũng đã phối hợp với trạm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh triệt để trên địa bàn.

Là địa bàn tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành có nguy cơ xảy ra dịch tả heo châu Phi rất cao, tuy nhiên, với quyết tâm cao, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Bình Dương đang tỏ rõ sự quyết tâm, chủ động trong việc phòng chống dịch tả heo châu Phi, kịp thời ứng phó các tình huống xấu nhất.

BẮC TÂN UYÊN: Triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên vừa ký ban hành Văn bản số 445 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn. Văn bản yêu cầu Đài Truyền thanh huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh; không buôn bán, vận chuyển, không giấu heo bị nhiễm bệnh hoặc mua bán, vận chuyển heo, thịt heo không rõ nguồn gốc, heo từ vùng dịch đến địa phương tiêu thụ.

Lãnh đạo huyện cũng yêu cầu các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn phòng chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán heo, thịt heo không rõ nguồn gốc nhằm phòng tránh lây lan dịch bệnh...

DUY CHÍ

KHÁNH VINH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=713
Quay lên trên