Sau khi Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, Bình Dương đã ban hành chương trình, kế hoạch để triển khai đồng bộ cho các xã trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, tỉnh nhà đãcó sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn để sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Chương trình xây dựng NTM.
Bình Dương đang tăng tốc về đích xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Xây dựng đường giao thông nông thôn ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, UBND tỉnh và các huyện, thị trong tỉnh đã kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành chương trình các cấp. Trong đó, cấp tỉnh kiện toàn ban chỉ đạo và văn phòng điều phối; cấp huyện thành lập 7 ban chỉ đạo và văn phòng điều phối cấp huyện; cấp xã thành lập 48 ban quản lý và thành lập 297 ban phát triển ấp. Ngay sau khi kiện toàn, Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành chương trình; đồng thời phân công cụ thể các thành viên trong ban chỉ đạo thực hiện việc chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn và theo dõi Ban chỉ đạo các huyện, thị thực hiện những tiêu chí liên quan đến lĩnh vực quản lý. Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Bình Dương đã thực hiện thí điểm xã NTM từ năm 2000, đến nay những xã này đã đạt chuẩn NTM. Sau khi chương trình NTM được Chính phủ ban hành, tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch để triển khai đồng bộ cho các xã trên địa bàn tỉnh. Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, số xã đã phê duyệt đề án xây dựng NTM là 49/49 xã, đạt tỷ lệ 100% (trong đó có 1 xã chuyển lên phường). Hiện nay, tỉnh đã công nhận 32 xã đạt chuẩn NTM, đạt 65% so với kế hoạch giai đoạn 2011- 2020; cao hơn kế hoạch bình quân của cả nước (đạt 45%). Bình Dương phấn đấu đến năm 2020, 100% số xã đạt chuẩn NTM, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM ở các xã đã đạt chuẩn.
Kết quả đạt được nói trên cho thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng trên địa bàn tỉnh trong một thời gian ngắn; đồng thời khẳng định chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn để mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Một trong những kết quảnổi bật làchương trình đãgóp phần quan trọng đưa thu nhập bình quân của người dân nông thôn trong tỉnh theo chỉ số GRDP năm 2015 của tỉnh đạt 52,5 triệu đồng/người, bằng 50% GRDP của tỉnh. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong tỉnh.
Sự đổi thay dễ nhận ra nhất là hiện nay, các xã vùng nông thôn của tỉnh, đặc biệt là các xã đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM hệ thống trường học, đường sá… được xây mới hoặc kiên cố hóa đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, việc lồng ghép linh hoạt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với các dự án, chương trình lớn khác đã giúp nông thôn trong tỉnh khởi sắc mạnh mẽ...
Tăng tốc về đích
Hiện Bình Dương còn 17 xã chưa đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 34,68%; trong đó có 9 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 8 xã đạt 12 - 14 tiêu chí NTM. Trong năm nay, toàn tỉnh có 10 xã đăng ký về đích xây dựng NTM gồm: Tân Hưng, Hưng Hòa, Lai Hưng (huyện Bàu Bàng), An Bình, Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo), Hiếu Liêm, Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên), An Tây, An Điền (TX.Bến Cát) và Minh Thạnh (huyện Dầu Tiếng).
Bà Hồ Thị Quang Ngọc, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết, qua quá trình kiểm tra và giám sát của văn phòng điều phối xây dựng NTM cho thấy hiện nhiều xã đã cơ bản hoàn thành từ 17 đến 19/19 tiêu chí xây dựng NTM theo đánh giá của xã và huyện, thị xã. Ngoài việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, cần có sự thẩm tra, đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh để công nhận và công bố xã đạt chuẩn vào cuối năm 2016. |
Xã An Điền, TX.Bến Cát là một trong những địa phương đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện một số tiêu chí NTM còn lại để đạt mục tiêu được công nhận xã NTM trong năm 2016. Đưa chúng tôi đi thăm nhiều công trình mới xây và một số công trình sắp hoàn thiện của xã, bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Chủ tịch UBND xã An Điền cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay xã đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo ra bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày. Kết quả nổi bật là cơ sở hạ tầng trường tiểu học, mẫu giáo, trạm y tế và trung tâm hành chính xã được đầu tư xây dựng khang trang; thu nhập bình quân đầu người, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên. Nếu như năm 2012 thu nhập bình quân của người dân trong xã là 25 triệu đồng thì đến năm 2015 đã tăng lên 36,6 triệu đồng/người; dự kiến năm 2016 đạt 41,7 triệu đồng/người.
Tương tự, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng có xuất phát điểm xây dựng NTM khá thấp với nhiều khó khăn. Hệ thống giao thông nông thôn của Minh Thạnh ngoài tuyến trục chính qua địa bàn xã được nhựa hóa, còn lại hầu hết là các tuyến đường sỏi đỏ. Khó khăn là vậy nhưng trước những yêu cầu ngày càng lớn của người dân trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và để hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn trong xây dựng NTM, Đảng ủy xã Minh Thạnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện hoàn thành tiêu chí này. Theo ông Lê Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Minh Thạnh, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã đã chung tay góp sức thực hiện chương trình và đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo nên nhiều chuyển biến mới trong nông nghiệp, bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân. Qua quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM từ năm 2011, đến cuối tháng 7 vừa qua xã đã cơ bản hoàn thành 17/19 tiêu chí với 37/39 chỉ tiêu xây dựng NTM. Từ nay đến cuối năm 2016, Minh Thạnh phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí và tiếp tục đầu tư, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được để trình UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cho biết, các nội dung xây dựng NTM đã được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết này, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung tay xây dựng NTM” và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ đó đã tạo sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của người dân, từ đó đã mang lại những kết quả bước đầu đáng phấn khởi. Kết quả đạt được là cơ sở để Bình Dương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 trong thời gian tới.
QUỲNH NHIÊN