Bình Dương vượt bậc trên bảng xếp hạng cải cách hành chính, vì sao? - Bài 3

Cập nhật: 30-06-2021 | 08:32:29

Bài 3: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

 Sự thành công trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh năm 2020 có nhiều nhân tố quan trọng, từ sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC, đến công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCC-VC) và các tầng lớp nhân dân. Hiệu quả trong CCHC đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

 Cán bộ “một cửa” phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một - phường đạt hạng nhất Chỉ số CCHC năm 2020 của tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân qua máy tính

 Đẩy mạnh tuyên truyền

Năm 2020, Sở Nội vụ, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã phối hợp tích cực, có hiệu quả với các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh thực hiện tốt kế hoạch tuyên truyền về CCHC nhằm quán triệt các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác CCHC, về chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ. Cụ thể, năm 2020, Báo Bình Dương phối hợp với Sở Nội vụ, Trung tâm Hành chính công tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung CCHC bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tế của địa phương. Báo Bình Dương đã đăng 68 bài, 118 tin trên báo in và hơn 300 tin, hình ảnh, clip trên báo điện tử; thực hiện các chương trình giao lưu trực tuyến về các hoạt động CCHC mang lại hiệu quả thiết thực.

Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương đã phát hơn 100 tin, bài, phóng sự, chuyên đề trên sóng phát thanh và truyền hình. Cổng thông tin điện tử của tỉnh cũng đã đăng tải gần 100 tin, bài và hình ảnh về công tác CCHC. Cùng với các cơ quan báo chí, các cấp, các ngành đã từng bước quan tâm đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền CCHC, đồng thời gắn nội dung chương trình tổng thể CCHC với ban hành nghị quyết, chương trình hành động của cấp ủy và chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ hàng năm của các cơ quan, đơn vị, góp phần đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết thông qua công tác tuyên truyền, báo chí trong và ngoài tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân, đồng thời giúp CBCC-VC nhận thức đầy đủ về mục tiêu, xác định được thái độ, trách nhiệm trong công tác CCHC và cung cấp dịch vụ công. Đặc biệt, thông qua báo chí đã tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước và CBCC-VC. “Công tác tuyên truyền có vai trò rất quan trọng nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, tổ chức, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Công tác tuyên truyền còn nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiêp, CBCC-VC trong việc đẩy mạnh CCHC và phấn đấu xây dựng một nền hành chính hiện đại, thân thiện, minh bạch và hiệu quả của tỉnh Bình Dương”, ông Đẹp cho biết.

Nhiều giải pháp cải thiện Chỉ số CCHC

Nhìn một cách tổng thể, song song với công tác tuyên truyền, tỉnh đã thực hiện đồng loạt các giải pháp để cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC năm 2020. Đó là luôn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các đơn vị, địa phương; chủ động tổ chức hiệu quả các nhiệm vụ về CCHC được giao tại chương trình, kế hoạch hàng năm của cơ quan. UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương thi đua tìm giải pháp, sáng kiến, cách làm hay trong triển khai các nhiệm vụ CCHC để vận dụng, áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao chất lượng công tác CCHC của tỉnh.

Xuất phát từ thực tiễn công tác CCHC của tỉnh và kết quả Chỉ số CCHC năm 2020 cho thấy, việc tập trung tăng cường vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, thực hiện CCHC, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương đã tác động tích cực để Chỉ số CCHC năm 2020 đạt thứ hạng cao. Trong đó, nổi bật nhất là các giải pháp thực hiện sắp xếp bộ máy hành chính tinh gọn hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Ông Lý Văn Đẹp cho rằng những nguyên nhân đạt được đã nêu trên cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Trong đó, cần chú trọng các giải pháp tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về việc nâng cao xây dựng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, giải quyết thủ tục hành chính thời Covid-19, tăng cường giải quyết hồ sơ mức độ 3, mức độ 4...

 CCHC phải được tiến hành đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công là khâu đột phá có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan hành chính Nhà nước với tổ chức, cá nhân; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc hành chính có liên quan đến tổ chức, cá nhân.

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=668
Quay lên trên