Bình Dương vượt bậc trên bảng xếp hạng cải cách hành chính, vì sao?

Cập nhật: 29-06-2021 | 06:23:43

Một trong những yếu tố giúp Bình Dương dẫn đầu khu vực phía Nam về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 đó là chú trọng “nâng chất” đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Cụ thể, Chỉ số thành phần về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC năm 2020 của Bình Dương tăng 37 bậc; chỉ số thành phần về cải cách tổ chức bộ máy hành chính tăng 36 bậc so với năm 2019…

Bài 2: Chú trọng yếu tố con người

Chất lượng của đội ngũ cán bộ là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong công tác CCHC

“Vừa hồng vừa chuyên”

Nhìn lại cả quá trình để tăng bậc các chỉ số thành phần liên quan đến CBCCVC và cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cho thấy tỉnh đã thực hiện tốt đề án vị trí việc làm tại các cơ quan, tổ chức hành chính. Năm 2020, tỉnh đã chỉ đạo tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức theo nguyên tắc cạnh tranh để lựa chọn những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo từng vị trí công tác và bổ sung vào đội ngũ công chức của tỉnh. UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Kết quả, khoảng 8.000 lượt CBCCVC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng, nội dung. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng luôn được đổi mới, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực thi nhiệm vụ chuyên môn.

Căn cứ vào kết quả Chỉ số CCHC năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức phổ biến, quán triệt cho CBCCVC để nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm trong tham mưu tổ chức thực hiện CCHC; cùng với đó chủ động triển khai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của các đơn vị, địa phương; chú trọng việc xử lý công việc, công tác báo cáo và giải quyết TTHC trên môi trường mạng, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nếu như Sở Nội vụ thường xuyên thông báo mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho CBCCVC, các lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý trưởng, phó phòng và tương đương thuộc các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thì các sở, ban ngành, huyện, thị, thành phố cũng thường xuyên cử CBCCVC tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức CCHC, giao tiếp ứng xử. Cùng với đó là triển khai nhiều giải pháp thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, tạo nhiều thay đổi trong nhận thức, hành động phục vụ nhân dân. Từ đó, tạo nền tảng để xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, phục vụ lợi ích người dân, doanh nghiệp... Có thể nói, tỉnh đã tập trung quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng CBCCVC, cải tiến phương pháp, lề lối làm việc cũng như ý thức, tinh thần trách nhiệm của CBCCVC; luôn lấy trọng tâm yếu tố con người là chính thể cùng với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để đẩy mạnh CCHC, tạo động lực phát triển.

Cùng với chú trọng yếu tố con người tốt, Bình Dương đã quyết liệt thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính. Cụ thể là qua rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, xã; quản lý, sử dụng biên chế CBCCVC theo đúng quy định của Trung ương, góp phần vào thành công chung trong việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Kế hoạch số 43-KH/TU và Quyết định số 711-QĐ/TU của Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ cấp tỉnh đến cấp xã đều tổ chức bộ máy hiệu quả, hoạt động ngày càng tinh gọn, hướng đến phục vụ lợi ích người dân, tổ chức.

Vì dân phục vụ

Xác định yếu tố con người là khâu quan trọng trong công tác CCHC nên thời gian qua, các sở, ngành, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã làm rất tốt các nhiệm vụ để cải thiện Chỉ số CCHC theo hướng phục vụ nhân dân. Đơn cử như Sở Tư pháp đã có bước phát triển trên tất cả các mặt, đóng góp vào thành tích và sự phát triển của ngành, của địa phương bằng việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT với các cách làm hay, như: Trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), góp phần nâng cao Chỉ số thành phần xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tăng 3,85% giá trị và tăng 28 bậc trong năm 2020. Sở Thông tin - Truyền thông đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, tham mưu cho tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng dụng CNTT thời công nghệ số, giải pháp giải quyết TTHC mức độ 3, mức độ 4 thời Covid-19 và công bố dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính của tỉnh. Điều này đã góp phần nâng cao Chỉ số thành phần hiện đại hóa nền hành chính năm 2020, tăng 7,93% giá trị và tăng 9 bậc so với năm 2019.

Có nhiều yếu tố góp phần vào thành công về việc cải thiện Chỉ số CCHC năm 2020, trong đó yếu tố quan trọng nhất được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở là yếu tố con người. Nói như ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, CBCCVC “có chất, có tâm có tầm”, cộng với sức mạnh đoàn kết với nhân dân thì không việc gì không làm được, nhất là lĩnh vực CCHC. UBND tỉnh luôn coi trọng yếu tố năng lực, trình độ chuyên môn và đặc biệt là phong cách, đạo đức của CBCCVC.

Thời gian tới, các sở, ban ngành, UBND cấp huyện, xã trong tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ của CBCCVC, nhất là những cán bộ trực tiếp tiếp xúc với nhân dân. Cùng với đó là duy trì thường xuyên việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ chuyên môn, gắn với xây dựng mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” vì nhân dân phục vụ… (còn tiếp)  

- Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ:
“Tôi cho rằng, CCHC bắt đầu từ yếu tố con người. Vấn đề cốt lõi của cải cách là phải nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ CBCCVC; phải xây dựng đội ngũ CBCCVC có tính chuyên nghiệp cao, có đủ trình độ, có kỹ năng để triển khai những quyết định hành chính và ý thức chuyên nghiệp trong thực thi công vụ. Xác định rõ yếu tố quan trọng này, thời gian qua Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Khi đội ngũ CBCCVC có chuyên môn, đạo đức tốt thì việc rà soát cắt giảm các TTHC, đẩy mạnh ứng dụng CNTT với những dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, hướng đến phục vụ lợi ích người dân, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thực hiện”.
- Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An:
“Yếu tố con người là khâu quan trọng trong công tác CCHC. Thời gian qua, TP.Thuận An luôn coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, nhất là trong công tác CCHC. Để đẩy mạnh công tác CCHC thì việc “nâng chất” đội ngũ CBCCVC mang tính đột phá. Do vậy, TP.Thuận An luôn coi trọng yếu tố năng lực, trình độ chuyên môn và đặc biệt là phong cách, đạo đức của cán bộ. Thời gian tới, UBND TP.Thuận An sẽ tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ của CBCCVC, nhất là những cán bộ trực tiếp giải quyết TTHC”.
- Bà Trịnh Thị Ngọc Bích, Chủ tịch UBND phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một:
“Thời gian qua, để “nâng chất” đội ngũ CBCCVC, ngoài việc thường xuyên cử cán bộ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, Đảng ủy, UBND phường luôn quan tâm đến công tác chấn chỉnh tác phong, thái độ phục vụ của CBCCVC trong tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân, gắn với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường nắm tình hình và chủ động giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhân dân...”.

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên