Bình Dương vượt bậc trên bảng xếp hạng cải cách hành chính, vì sao?

Cập nhật: 28-06-2021 | 10:52:50

Bài 1: Từ sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số CCHC (PARINDEX) 2020 và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2020. Theo kết quả công bố, Bình Dương đạt 86,93/100 điểm, đứng hạng 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đứng đầu các tỉnh khu vực phía Nam, tăng 4,63 điểm và tăng 13 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2019. Kết quả vừa được công bố thể hiện rõ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và sự chung tay, đồng lòng, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Chất lượng đội ngũ cán bộ là yếu tố hàng đầu cải thiện Chỉ số cải cách hành chính năm 2020. Trong ảnh: Cán bộ một cửa cấp tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Các chỉ tiêu thành phần tăng điểm

Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù trải qua nhiều biến động không thuận lợi do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhưng Bình Dương vẫn là một điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Đóng góp một phần quan trọng trong bức tranh toàn cảnh của Bình Dương đó chính là hoạt động CCHC. Kết quả nổi bật trong CCHC đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2020. Kết quả Chỉ số CCHC năm 2020 của tỉnh vừa được Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố đã một lần nữa chứng minh sự phát triển toàn diện của Bình Dương.

Điểm nổi bật trong CCHC những năm qua là việc xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh, hướng đến xây dựng một nền hành chính tập trung, thống nhất, thông suốt, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó là việc thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một, Bộ phận một cửa hiện đại cấp huyện, như: TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát… đã có những giải pháp, cách làm hay, sáng tạo được người dân, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết theo kết quả Chỉ số CCHC vừa công bố, Bình Dương đứng hạng 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đứng đầu các tỉnh khu vực phía Nam, tăng 4,63 điểm và tăng 13 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2019. Trong đó, nhiều điểm số thành phần tăng cao. Cụ thể, Chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tăng 37 bậc so với năm 2019; Chỉ số thành phần cải cách tổ chức bộ máy hành chính tăng 36 bậc so với năm 2019; Chỉ số thành phần xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tăng 28 bậc so với năm 2019… Điều này cho thấy sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sự chung tay, đồng lòng và sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Kết quả của sự đồng lòng

Kết quả trên đã thể hiện rõ sự quyết tâm đồng lòng của tỉnh trong chỉ đạo sâu sát các cấp, các ngành, xem công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong quản lý, điều hành; công tác triển khai, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC theo chương trình, kế hoạch của Trung ương và địa phương. Cụ thể là tỉnh đã tổ chức thi nâng ngạch công chức, thi thăng hạng viên chức hành chính tỉnh Bình Dương năm 2020, tổ chức các cuộc thi cấp trưởng phòng, cấp phó giám đốc sở để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt hàng loạt các giải pháp trong CCHC, như: Đẩy mạnh công nghệ thông tin, thí điểm liên thông thủ tục hành chính, thực hiện đề án thí điểm thành lập hệ thống đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân…

Xuất phát từ yêu cầu CCHC và định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã cần thực hiện tốt việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ. Song song đó là xây dựng, triển khai các đề án mang tính chiến lược về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là tỉnh luôn xem hiệu quả công tác CCHC là thước đo công cụ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CCHC từ cấp tỉnh tới cấp xã. Và, kết quả Chỉ số CCHC của tỉnh Bình Dương năm 2020 đã tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, tính hiệu quả đối với các mục tiêu mà tỉnh đang đặt ra để hướng đến xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch, thông suốt, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp trong tỉnh. Nói như ông Lý Văn Đẹp, kết quả này là động lực lớn cổ vũ mạnh mẽ để tỉnh phát triển toàn diện, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh tiếp tục nỗ lực hết mình trong CCHC, vì dân phục vụ... (còn tiếp)

 

Ông Trần Anh Tuấn, người dân phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát:
“Tôi rất vui mừng khi biết thông tin tỉnh Bình Dương dẫn đầu khu vực phía Nam về Chỉ số CCHC. Điều này đã tạo niềm tin, phấn khởi trong nhân dân. Tôi mong rằng, thời gian tới UBND tỉnh cần tập trung quyết liệt cải tiến phương pháp, lề lối làm việc cũng như ý thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; xác định trọng tâm con người là chính yếu cùng với yếu tố đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong CCHC...”.
 Ông Đoàn Văn Tịnh, người dân phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một:
“Chúng tôi rất vui khi biết thông tin Bình Dương dẫn đầu khu vực phía Nam về Chỉ số CCHC năm 2020 vừa được Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố. Thực tế, thời gian qua tôi làm rất nhiều TTHC liên quan đến đời sống dân sinh và chính quyền cơ sở ở Bình Dương giải quyết rất tốt các TTHC cho người dân. Nhiều TTHC cán bộ giải quyết chỉ sau 5 - 10 phút ngồi chờ đợi, so với trước đây tiến bộ rõ nét. Tôi rất mong Bình Dương tiếp tục giữ vững thứ hạng này, hướng công tác cải cách TTHC phục vụ nhân dân”.
 Ông Trần Thanh Phụng, người dân phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một:
“Tôi mong sắp tới, tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong giải quyết TTHC; chỉ đạo bộ phận Hệ thống đường dây nóng 1022 của tỉnh cập nhật thông tin để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, cách nộp hồ sơ qua đường bưu chính công ích, nhất là hiện nay, nhiều bộ phận “một cửa” tạm đóng cửa do Covid-19, nhiều TTHC người dân chỉ biết nộp qua đường bưu điện, trở nên quá tải và cần sớm chỉ đạo giải quyết”.
 Bà Nguyễn Thị Mỹ Chi, người dân phường An Phú, TP.Thuận An:
“Tôi mong rằng sắp tới, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC, nhất là trong gian đoạn giãn cách xã hội do Covid-19. Các thông tin, nội dung tuyên truyền cần đa dạng, phong phú, thông qua các kênh thông tin khác nhau, như: Phát thanh, truyền hình, báo in, báo online, băng rôn, tờ rơi, pano, áp phích, hội diễn, hội thi, sân khấu hóa... để góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong việc chung tay thực hiện CCHC”.

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=383
Quay lên trên