Đó là nhận xét chung của những cán bộ lãnh đạo trung tâm giới thiệu việc làm. Theo những người có kinh nghiệm trong việc tuyển lao động (LĐ) thì những ai năng động, không “khư khư ôm lấy ngành nghề mình đã học” rất dễ có việc làm... Các LĐ trẻ tìm việc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên
Đi liên hệ xin việc cho đứa cháu gái mới tốt nghiệp đại học ngành du lịch, tôi gặp gần chục bạn trẻ đang tìm cơ hội việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên. Đa số họ muốn tìm một việc làm phù hợp với ngành học của mình. Theo họ, bỏ 4 năm học chuyên ngành ở trường đại học thì uổng phí lắm. Nhưng, có một số bạn đã có... kinh nghiệm thất nghiệp lại trao đổi rằng, không nhất thiết như thế, chỉ cần có việc làm trước đã, có thu nhập để lo cho cuộc sống tự lập của bản thân sau đó mới tính chuyện khác. Những cán bộ tiếp nhận yêu cầu tuyển dụng cũng cho biết: “Chọn việc làm khác ngành nghề bây giờ là chuyện bình thường, bởi, người LĐ rất khó tìm việc nếu không... ép mình một chút theo yêu cầu việc làm từ phía doanh nghiệp đưa ra”.
Đến KCN VSIP I, một thực tế nữa là nhiều cử nhân chấp nhận đi làm công nhân để có thu nhập chứ chờ công việc theo ngành học bởi quá lâu sau khi liên hệ xin việc vẫn chưa được gọi phỏng vấn. Chúng tôi gặp Nguyễn Hương Mỹ, sinh viên của một trường đại học dân lập Huế vào Bình Dương xin việc. Sau hơn một tháng tìm việc phù hợp không được, Hương Mỹ đành xin vào làm công nhân tại một công ty có 100% vốn Nhật Bản. Mức lương khởi điểm hơn 3 triệu đồng. Theo tính toán của cô thì “nếu tăng ca, tiền xăng xe, hỗ trợ ăn trưa và phòng trọ nữa cũng hơn 6 triệu đồng/tháng”. Đó là một công việc không dễ dàng, nhàn nhã như làm một nhân viên văn phòng, lễ tân khách sạn nhưng cô cho biết, thu nhập như thế là cao hơn ở quê mình và phải nhanh chóng đi làm có tiền phụ giúp gia đình nên cô đồng ý “tốt nghiệp cử nhân đi làm công nhân”.
Một bạn gái khác tên Dung cũng tốt nghiệp đại học nhưng lại đang đi làm nhân viên cho một chi nhánh cửa hàng văn phòng phẩm tại TX.Dĩ An. Cô cho biết mình theo học ngành kế toán nhưng đi xin việc ở đâu cũng nhận được cái lắc đầu kèm câu từ chối “đủ kế toán rồi em ạ”. Nhận việc khác chuyên môn mình học nhưng tổng thu nhập từ lương, phần trăm hoa hồng từ những đơn vị khai thác mới, hỗ trợ xăng xe, nhà trọ... tính ra cũng hơn 5 triệu đồng/tháng nên Dung đồng ý đi làm ở đó.
Nhiều LĐ trẻ hiện nay rất năng động và họ nhanh chóng bổ sung những yêu cầu phụ (giỏi giao tiếp, biết pha chế thức uống...) của doanh nghiệp để nhanh chóng có việc. Thế nên, bài học rút ra sau những ngày lang thang xin việc của Hương Mỹ là “đừng ngại khó, đừng tự ái vì học đại học đi làm công nhân thì sẽ nhanh chóng tìm được việc làm kiếm sống”. Cũng theo bạn, trước mắt cứ làm việc trái ngành nghề để học tập thêm, có cơ hội lại tìm việc tốt hơn, thu nhập khá hơn và đúng chuyên môn của mình.
QUỲNH NHƯ