Các doanh nghiệp vận tải chưa điều chỉnh giá cước

Cập nhật: 04-04-2013 | 00:00:00

Sau 1 tuần giá xăng, dầu diesel được điều chỉnh (từ 20 giờ ngày 28-3), nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết vẫn chưa có kế hoạch tăng giá cước để chia sẻ với khách hàng trong điều kiện khó khăn chung hiện nay.

Giảm tối đa chi phí để chia sẻ với khách hàng

Chia sẻ về tác động của đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vừa qua đối với ngành vận tải, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, giá xăng hiện giờ ở mức 24.580đ/lít, tăng khoảng 6% so với giá cũ nên đã tác động đến các hãng taxi, chi phí theo đó tăng lên khoảng 3 đến 4%.

“Mặc dù nhiều doanh nghiệp taxi đã cân nhắc phương án tăng giá cước từ 600 đồng đến 1.000 đồng/km, tuy nhiên đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tăng giá vì e ngại lượng khách hàng sẽ giảm trong khi đầu xe thì nhiều”, ông Hùng nói.

 Ảnh minh họaĐối với doanh nghiệp vận tải, theo ông Hùng, do các doanh nghiệp sử dụng dầu diesel là chính nên mức giá tăng lần này chỉ khoảng 1,6% (từ 21.550 đồng lên 21.912 đồng/lít), không có tác động lớn đến vận tải hàng hóa và hành khách. Do vậy, hiện nay chưa có đơn vị vận tải nào có dự kiến tăng vì giá dầu chỉ tăng nhẹ và vận tải hàng hóa đang cung vượt cầu.

Đồng quan điểm, ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải TP.HCM cho hay, việc điều chỉnh tăng giá dầu diesel sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải bởi các doanh nghiệp phải đưa chi phí nhiên liệu vào giá cước vận chuyển.

Tuy nhiên đợt tăng giá dầu diesel vừa qua không cao nên doanh nghiệp vận tải chưa điều chỉnh tăng giá cước. “Các doanh nghiệp tạm thời gánh chi phí gia tăng này để chia sẻ với khách hàng trong điều kiện khó khăn chung hiện nay”, ông Chung bày tỏ.

Còn đối với các hãng taxi, đợt tăng giá xăng lần này ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, tạm thời sẽ chưa có sự điều chỉnh giá cước.

Tại địa bàn TP.HCM, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, Giám đốc Taxi Vinasun cho biết, mặc dù các hãng taxi đang gặp khá nhiều khó khăn vì trước đó đã phải gánh chịu phí bảo trì đường bộ, các loại phí bảo hiểm đều tăng do lương tối thiểu tăng, nhưng cho đến thời điểm này các hãng taxi ở TPHCM chưa có kế hoạch tăng giá cước.

Theo ông Hỷ, “đây cũng là một việc làm thể hiện sự hưởng ứng đối với chủ trương bình ổn giá của Nhà nước, là sự sẻ chia khó khăn với khách hàng trong tình hình hiện nay”.

Còn ông Hà Việt Hùng, Giám đốc taxi VIP, TP. Hải Phòng cho hay: “Hiện tại, Công ty chúng tôi chưa có kế hoạch tăng giá cước. Công ty đã giảm tối đa chi phí để chia sẻ với khách hàng”.

Tuy nhiên, theo ông Hà Việt Hùng, bài toán hiện nay đang khiến các doanh nghiệp taxi đau đầu là nếu không tăng giá thì khó có thể tồn tại, mà tăng thì lượng khách giảm, vì kinh tế khó khăn người dân phải thắt chặt chi tiêu. Do vậy, trong thời gian tới, ông Hùng cũng chưa thể khẳng định về việc điều chỉnh giá cước taxi.

Để doanh nghiệp chủ động kế hoạch kinh doanh

Nói về việc điều chỉnh giá xăng, dầu, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp vận tải, taxi, điều quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch tất cả các yếu tố, quỹ bình ổn có bao nhiêu, từng doanh nghiệp sử dụng bao nhiêu, giá nhập khẩu, giá thế giới là bao nhiêu... đồng thời tránh việc điều chỉnh giá quá đột ngột, để các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch kinh doanh.

Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải TP.HCM cho rằng nên điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng rút ngắn thời gian tính giá cơ sở từ 30 ngày như hiện nay xuống khoảng một tuần để làm cơ sở điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp theo sự biến động của thị trường thế giới.

Bởi theo ông Chung, “có như vậy, doanh nghiệp mới chủ động được trong hoạt động kinh doanh của mình. Đồng thời tránh được trường hợp kéo dài quá đến lúc điều chỉnh thì mức tăng quá cao, đột ngột, có khi trái chiều với thị trường thế giới như trong thời gian vừa qua”.

“Tôi cho giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp taxi hiện nay là giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, lệ phí trước bạ… vì các doanh nghiệp vận tải vừa đã phải gánh thêm khoản phí đường bộ. Đối với việc tăng giá cũng cần phải được thông báo sớm để các doanh nghiệp vận tải cân đối, chủ động kế hoạch kinh doanh”, ông Hà Việt Hùng, Giám đốc taxi VIP, TP. Hải Phòng đề xuất ý kiến.

Cũng chung ý kiến này, theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, Giám đốc Taxi Vinasun, nên giảm thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng taxi từ 10% xuống còn 5% hoặc giảm bớt phí bảo trì đường bộ so với hiện tại.

“Cần có một nghiên cứu tổng thể về chính sách thuế, phí đối với ngành vận tải để đảm bảo các doanh nghiệp phát triển ổn định”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề đạt ý kiến.

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên