Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock.com)
Lâu nay, việc nhiễm virus nghiêm trọng và mắc ung thư thường được cho là nguyên gây suy giảm hệ miễn dịch.
Để làm rõ hơn vấn đề này, một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty của Australia đã tìm ra câu trả lời giải thích lý do tại sao tình trạng suy giảm miễn dịch lại xảy ra và cách khắc phục điều này.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Immunity số ra ngày 7/7, các nhà khoa học cho rằng "cạn kiệt" miễn dịch là một quá trình mà virus và ung thư gây suy giảm hệ miễn dịch, trong đó có việc suy giảm tế bào T - một phần của hệ miễn dịch.
Việc giữ trao đổi chất của tế bào cho phép các tế bào Tpex duy trì chức năng trong thời gian dài nhằm duy trì các phản ứng của tế bào T đối với việc lây nhiễm. Do đó, để tăng cường hệ miễn dịch, cần khắc phục tình trạng "cạn kiệt" miễn dịch cũng như giúp tế bào T trở nên mạnh hơn.
Trước đó, nhóm nghiên cứu phát hiện mặc dù một số tế bào T bị mất chức năng và cạn kiệt trong vài ngày, nhưng các tế bào Tpex vẫn có thể duy trì chức năng trong một thời gian dài.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu phát hiện hoạt động của mTOR - một cảm biến dinh dưỡng, điều phối quá trình sản xuất và tiêu thụ năng lượng của tế bào, trong các tế bào Tpex bị giảm so với những tế bào đang dần cạn kiệt.
Điều này có nghĩa các tế bào Tpex có thể giảm hoạt động để có thể duy trì chức năng lâu hơn, giống như chạy chậm hơn để có sức bền trong các cuộc chạy marathon.
Các nhà nghiên cứu khẳng định phát hiện này có thể giúp cải thiện phản ứng miễn dịch đối với các trường hợp nhiễm virus nghiêm trọng./.
Theo TTXVN