Cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm

Cập nhật: 20-08-2013 | 00:00:00

Vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các sản phẩm chế biến từ gạo đang được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là sau khi một số tỉnh, thành phát hiện bún, bánh phở, bánh canh tươi có chứa chất cấm Tinopal. Kết quả xét nghiệm đối với các sản phẩm bún, bánh phở và bánh canh tươi trên địa bàn tỉnh vừa qua cũng đã phát hiện 2 mẫu bún không đạt chất lượng. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng (NTD), các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm…

Sau thông tin bún, bánh phở chứa chất cấm Tinopal ở một số tỉnh, thành, người tiêu dùng tỏ ra lo lắng nên các điểm bán bún, bánh phở cũng ế ẩm hơn Nguy hiểm thực phẩm có chất cấm, phụ gia vượt mức cho phép

Chất Tinopal là hợp chất hóa học tổng hợp, còn gọi là chất làm sáng quang học (hay huỳnh quang) được thêm vào chất tẩy giặt với mục đích làm sản phẩm được giặt trông thấy trắng và sáng hơn. Ở một số nước, người ta còn dùng Tinopal để diệt côn trùng và kháng nấm… Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, chất Tinopal là chất không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm dù với bất cứ hàm lượng nào, vì có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Sử dụng thực phẩm có chứa chất Tinopal sẽ gây hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, thậm chí có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Nếu ăn thực phẩm chứa chất Tinopal lâu dài sẽ gây suy gan, suy thận, cơ thể mệt mỏi và mắc cả bệnh ung thư. Ngoài ra, tùy theo lượng độc tố Tinopal vào cơ thể với hàm lượng bao nhiêu mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Riêng chất phụ gia thực phẩm natri benzoate là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Phụ gia này có tác dụng tiêu diệt những vi sinh vật và chống nấm mốc nên thường được các cơ sở sản suất sử dụng phổ biến nhằm kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm. Nếu sử dụng đúng theo quy định của Bộ Y tế thì hoàn toàn không có hại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng natri benzoate với hàm lượng cao hơn mức cho phép và sử dụng lâu ngày sẽ có khả năng gây nhiều bệnh có ràng buộc với sự phá hủy của DNA, bao gồm hội chúng paskinson và các hội chứng thoái hóa thần kinh khác, nhưng trên tất cả là quá trình lão hóa của cơ thể.

ATTP - cần thông tin kịp thời

Theo thống kê đến tháng 8-2013, trên địa bàn tỉnh có 54 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dạng sợi, trong đó chủ yếu là cơ sở sản xuất bún tươi. Các địa bàn có số lượng cơ sở nhiều nhất là Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên. Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP và kết quả thanh, kiểm tra liên ngành trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã phát hiện một số cơ sở dùng hóa chất vào trong thực phẩm, đặc biệt là sử dụng chất cấm Tinopal để làm trắng sáng sợi bún tươi. Việc này gây nguy hiểm đến sức khỏe con người, vì các chất này là hóa chất chỉ được sử dụng trong công nghiệp.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, giám sát chất lượng ATTP là công tác được chi cục tiến hành thường xuyên hàng năm. Kết quả giám sát năm 2012 chưa phát hiện phụ gia vượt giới hạn cho phép, hay sử dụng hóa chất cấm. Trong tháng 6-2013, đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, giám sát và phát hiện 1 cơ sở sử dụng phụ gia natri benzoate nhưng nằm trong giới hạn cho phép. “Trước thông tin tại TP.HCM và tỉnh Tây Ninh phát hiện chất cấm Tinopal trong sản xuất thực phẩm, Chi cục ATVSTP tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tiến hành giám sát đợt 1 tại 8 cơ sở sản xuất bún trên địa bàn tỉnh. Tại 8 cơ sở này, chúng tôi đã lấy 10 mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm, có 2 mẫu của 2 cơ sở riêng biệt có vi phạm về chất lượng ATTP. Trong đó, một cơ sở vi phạm về việc sử dụng phụ gia thực phẩm natri benzoate vượt mức cho phép 7 lần; một cơ sở có sử dụng chất cấm Tinopal trong sản xuất bún. Chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc 2 cơ sở vi phạm này cho Sở Công Thương xử lý theo quy định của pháp luật. Sở Công Thương sẽ công bố tên 2 cơ sở này cho người sử dụng biết”, bác sĩ Hùng nói.

Tuy nhiên, đến nay 2 cơ sở có mẫu bún không đạt chất lượng trên vẫn chưa được công bố trên các phương tiện thông tin để NTD biết. Trong khi đó NTD có quyền được biết thực phẩm bẩn để tẩy chay những cơ sở sản xuất vi phạm ATTP. Vì thế, việc công bố tên các cơ sở sản xuất vi phạm là cần thiết và cần được các cơ quan chức năng nhanh chóng thực hiện, không nên chậm trễ. Và nếu chậm trễ ngày nào thì NTD còn “sống trong sợ hãi” ngày đó.

Mới đây, tại cuộc họp với các sở ngành liên quan để nghe ngành y tế báo cáo về tình hình ATVSTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị lưu ý rằng, trong thời gian gần đây, vấn đề sữa nhiễm khuẩn, thực phẩm bẩn, chất tẩy trắng trong bún, phở… đang được người dân rất quan tâm. Ngành y tế nên tăng cường công tác tuyên truyền và có giải thích rõ ràng trên các phương tiện truyền thông để người dân an tâm, hạn chế vi phạm về ATTP. Phó Chủ tịch cũng đề nghị, các sở ngành liên quan cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, thu hồi giấy phép đối với các cơ sở vi phạm và công bố tên các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin truyền thông để có sự nghiêm minh, không tái phạm.

 H.THUẬN - Q.NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên