Cảnh báo tình trạng sạt lở ven sông Đồng Nai - Bài 2

Cập nhật: 28-06-2017 | 07:39:55

Bài 2: Nguyên nhân nào khiến sông Đồng Nai trở nên “hung dữ”?

Trong những năm gần đây, dòng chảy sông Đồng Nai trở nên rất “hung dữ”, gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Ngoài yếu tố thời tiết, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên.

Dòng chảy thay đổi

Trong công văn của UBND huyện Bắc Tân Uyên về việc trao đổi, cung cấp thông tin tình trạng sạt lở dọc bờ sông Đồng Nai trên địa bàn huyện, cho biết nguyên nhân chủ yếu gây nên sạt lở bờ sông là “do dòng chảy của sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn huyện có nhiều đoạn quanh co, gấp khúc, tốc độ dòng chảy vào mùa mưa lớn cùng với số lượng lớn xà lan có tải trọng lớn thường xuyên vận chuyển cát, đá lưu thông nhiều gây nên tình trạng sạt lở”.

Sông Đồng Nai đang “đói” phù sa!

Nhiều người dân địa phương cho rằng họ chưa bao giờ thấy sông Đồng Nai “hung dữ” như những năm gần đây, nhất là vào mùa mưa lũ. Trước đây, dòng chảy của sông tương đối chậm vì lòng sông nông cùng với lượng cát lớn dưới đáy sông kiềm chế tốc độ chảy của nước. Ngoài ra, trong nước sông có nhiều phù sa cũng góp phần làm giảm tốc độ của dòng chảy. Tuy nhiên, từ khi lòng sông bị khoét sâu bởi quá trình khai thác cát khiến dòng chảy trở nên nhanh hơn, cùng với đó là lượng phù sa trong nước giảm đáng kể khiến nước sông bị “đói” phù sa.

Theo người dân, nước sông Đồng Nai “đói” phù sa không những gây hiện tượng sạt lở mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước tưới cho nông nghiệp. Theo kinh nghiệm sản xuất của nhiều nông dân, hàm lượng phù sa và các chất vi khoáng trong nước sông rất tốt cho cây trồng. Vì vậy, cây trồng được tưới nước sông sẽ cho năng suất cao hơn so với việc sử dụng nước giếng khoan.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sông Đồng Nai, đoạn qua xã Thường Tân và Tân Mỹ (Bắc Tân Uyên) là nơi có mật độ xà lan lưu thông nhiều nhất. Các xà lan có trọng tải “khủng” đậu kín mặt sông, nhất là tại đoạn gần cảng mỏ đá để chờ lấy đá. Sau khi lấy đá, các xà lan này thường vận chuyển về hướng TX.Tân Uyên. Xà lan có tải trọng càng lớn thì lưu thông trên sông càng tạo ra sóng nước mạnh. Các sóng nước này sẽ dội vào bờ, lâu ngày gây nên hiện tượng sạt lở ven bờ sông. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi xà lan lưu thông trên những đoạn sông gấp khúc, lòng sông hẹp và bờ sông có nền đất yếu.

Tương tự, nhiều người dân trên địa bàn TX.Tân Uyên cũng cho rằng một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông là do xà lan tấp nập chở cát lưu thông trên sông Đồng Nai. Ông Đỗ Thanh Tròng, ngụ KP.Dư Khánh, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên, cho biết: “Mỗi khi xà lan chở cát lưu thông trên sông, tạo thành từng đợt sóng nước dội mạnh vào bờ gây nên sạt lở. Tôi sợ nhất là lúc xà lan tấp vào gần bờ sông. Chân vịt “khủng” của xà lan hoạt động đánh tơi tả bờ sông. Nhiều lần tôi xua đuổi họ nhưng chẳng ăn thua”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên, cho rằng: “Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng sạt lở bờ sông Đồng Nai là do lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về hạ lưu đoạn qua địa phương rất lớn, nhất là lúc trời mưa lớn. Dòng chảy mạnh cuốn theo đất dọc bờ sông. Nguyên nhân của tình trạng trên là do tốc độ đô thị hóa cùng quá trình bê tông hóa nhanh khiến nước mưa không rút xuống đất mà chảy trực tiếp xuống sông”.

Theo người dân và chính quyền địa phương, nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông Đồng Nai là do nạn khai thác cát trái phép. Trong ảnh: Công an TX.Tân Uyên thu giữ các phương tiện bơm hút cát trái phép

Nói về vấn đề này, ông Trần Lê Quan, Bí thư Đảng ủy phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên, cho rằng quá trình đô thị hóa khiến cây xanh mất đi, nhất là những khu vực gần bờ sông. Trong khi đó, cây xanh có vai trò điều tiết nước và chống xói mòn. Không những thế rễ cây còn giúp giữ đất trước tác động của nước mưa và nước sông, góp phần làm chậm quá trình sạt lở. Điều này càng quan trọng hơn tại những khu vực bờ sông có nền đất cát pha. Đa phần những khu vực sạt lở thường có mật độ cây thấp và nhà cửa nhiều”.

“Cát tặc” là thủ phạm chính

Cùng với các nguyên nhân trên, nhiều người dân sống dọc bờ sông Đồng Nai cho rằng thủ phạm chính gây nên sạt lở bờ sông là nạn bơm hút cát trái phép. Dẫn chúng tôi ra bờ sông phía sau nhà, chị Trần Thị Cẩm Chanh (ngụ ấp Tân Hội, xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên) cho biết: “Năm trước, mưa bão khiến mấy chục mét vuông đất phía sau nhà tôi bị nước sông cuốn đi. Hiện nay sạt lở vẫn xảy ra. Nguyên nhân do “cát tặc” hoành hành. Trước đây, nơi đây thường có rất nhiều “cát tặc” tụ hội về đây để hút cát. Từ khi chính quyền địa phương mạnh tay xử lý “cát tặc” đến nay đã giảm đáng kể”.

Cách nhà chị Chanh không xa, gia đình bà Phạm Thị Tuyết cũng đang lo lắng vì vết nứt từ bờ sông đến gần nhà đang lớn dần. Bà Tuyết chỉ tay về phía bờ sông cho biết nơi trước đây từng là “bãi nà” của gia đình: “Trước đây, chúng tôi có “bãi nà” trồng cây ăn trái, nhưng từ khi nạo vét luồn khơi thông dòng chảy và xuất hiện đội quân khai thác cát trái phép trên sông thì “bãi nà” bị “hà bá” cuốn trôi mất. Diện tích đất ở của gia đình tôi ngày càng bị thu hẹp. Từ 700m2 đến nay không biết còn được bao nhiêu? Chưa kể hơn một 1.000m2 đất sản xuất của chúng tôi cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng”, bà Tuyết nói.

Nhiều tàu, thuyền và xà lan chở khoáng sản lưu thông trên sông Đồng Nai, đoạn qua xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên chính là một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông

Ông Nguyễn Văn Sinh, một cư dân sống nhiều năm tại phường Thái Hòa tỏ ra lo lắng khi diện tích đất của gia đình ngày càng thu hẹp do tình trạng sạt lở đất trong thời gian qua. Đến nay, chỉ riêng khu vực đất của gia đình ông Sinh đã có hơn chục mét bị sạt lở xuống sông. Những điểm sạt lở khoét sâu vào đất đang có nguy cơ mở rộng và lấn sâu vào bên trong. Ông cho biết, mặc dù hiện nay tình trạng khai thác cát trái phép đã giảm đáng kể nhưng thỉnh thoảng vẫn còn một số đối tượng lợi dụng đêm tối để hút cát. “Nóng lòng vì sợ đất tiếp tục bị sạt lở, chúng tôi trực tiếp xua đuổi thì “cát tặc” hăm dọa. Khi cơ quan chức năng đến nơi thì bọn chúng đã “cao bay xa chạy” qua bên bờ phía tỉnh Đồng Nai”, ông Sinh cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng Công an TX.Tân Uyên phối hợp với công an các phường Uyên Hưng, Thái Hòa, Thạnh Phước, Khánh Bình, xã Bạch Đằng và xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) tuần tra, kiểm tra phát hiện 27 vụ với 21 đối tượng hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát sỏi trái phép trên sông Đồng Nai. Qua đó, lực lượng chức năng xử lý 21 vụ, 17 đối tượng với tổng số tiền hơn 31 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ nhiều tang vật phục vụ cho việc vận chuyển, bơm hút cát trái phép với tổng giá trị hàng hóa tạm giữ hơn 2,2 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND phường Thái Hòa, cho biết: “Một trong những nguyên nhân gây ra sạt bờ sông Đồng Nai là do nạn khai thác cát trái phép. Các đối tượng này rất manh động. Chúng sẵn sàng sử dụng gạch đá để tấn công lực lượng chức năng. Trước tình trạng trên, địa phương phối hợp với xã Thạnh Hội thay phiên nhau tuần tra để giải quyết dứt điểm nạn “cát tặc””.

Bài 3: Cần các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn sạt lở bờ sông Đồng Nai

 NGUYỄN HẬU 

 

  

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1863
Quay lên trên