Lâu nay, nhắc đến Cây Trường II người ta thường nghĩ đó là một xã đất rộng người thưa nằm ở phía bắc huyện Bàu Bàng, giáp tỉnh Bình Phước. Thế nhưng mỗi lần đến đây, chúng tôi cứ cảm thấy vùng đất này có nhiều điều lý thú. Ngay tên gọi của xã thôi cũng đã gợi sự thắc mắc, bởi gọi xã Cây Trường II hoặc xã Cây Trường cũng đều được cả. Hỏi vì sao như vậy, hóa ra tên gọi đều có tích tuồng hẳn hoi.
Hệ thống hạ tầng giao thông tại xã Cây Trường II đã được đầu từ khang trang, đồng bộ
Lý giải về tên gọi của xã Cây Trường II, các bậc cao niên địa phương cho biết, ở khu vực phía bắc huyện Bến Cát trước đây có 3 địa danh cùng được gọi là Cây Trường. Đó là truông Cây Trường 1, truông Cây Trường 2 và truông Cây Trường 3. Theo xác định địa giới của người dân địa phương thì truông Cây Trường 1 nằm ở xã Trừ Văn Thố, truông Cây Trường 2 nằm tại UBND xã Cây Trường II ngày nay, truông Cây Trường 3 nằm tại ấp Bà Tứ. Sau ngày đất nước thống nhất, vùng đất này được tách nhập đơn vị hành chính để thành lập các xã kinh tế mới thành ra xã Trừ Văn Thố và xã Cây Trường II. Dần dần người ta không còn gọi Cây Trường 1 nữa, chính vì vậy trên giấy tờ hành chính cũng như cách gọi thường ngày, có thể sử dụng cả hai tên là Cây Trường hoặc Cây Trường II. Tên gọi Cây Trường cũng xuất phát từ đặc điểm sinh thái của địa phương. Vùng này trước đây có rất nhiều cây trường, loại cây thân gỗ, mọc lên như cánh rừng nên gọi là “truông”. Ngày nay, cây trường không còn nhiều nhưng mọi người vẫn lấy tích cũ đặt cho xã mới với mong muốn thế hệ mai sau nhớ về nguồn cội, hoài niệm về một địa danh có cây trường mọc bạt ngàn.
Trồng chanh không hạt - mô hình mới đang mang lại hiệu quả ở xã Cây Trường II. Trong ảnh: Nông dân Nguyễn Văn Hùng và cựu chiến binh Hoàng Đại Lộc (phải) bên vườn chanh của ông Hùng
Nhắc lại chuyện xưa để thấy trong quá khứ, đất Cây Trường hoang vu lắm. Sau ngày giải phóng, thực hiện chủ trương kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, bà con từ miền Bắc, miền Trung cùng tụ họp về đây, họ gặp quê hương trên mọi quê hương, chung tay xây dựng cuộc đời mới với cả niềm tin về tương lai phía trước.
Cựu chiến binh Hoàng Đại Lộc (ấp Bà Tứ) là một người như thế. Chúng tôi đã nhiều lần ghé thăm ông Lộc và mỗi lần gặp là mỗi lần thấy ông vui hơn. Quê ông Lộc tận Quảng Bình, nơi nổi tiếng chang chang cồn cát, nắng nung người. Từ chiến trường Campuchia trở về, ông Lộc đã chọn Bình Dương lập nghiệp. Con người ta hơn nhau đôi khi là nhờ sự cần cù và ý chí biết vươn lên. Mấy năm đầu trên đất lạ, gia đình ông Lộc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Cày cuốc quần quật cũng không đủ ăn. Ước mơ thoát khỏi đói nghèo bao năm vẫn chỉ là ước mơ. Thế rồi, từ ngày có điện về nông thôn, ông Lộc bỗng trở mình vươn lên thấy rõ. Hôm nay gặp lại, thấy ông có cả vườn cây, có trại heo thịt, nhà cửa luôn rộn rã tiếng cười no ấm. Tất cả tuy còn khiêm tốn, nhưng chúng tôi nghĩ rằng đó là cả một ước mơ của người cựu chiến binh giàu nghị lực này.
Gặp nhau hoài hóa thành quen thân, ăn nói cũng chẳng rào trước đón sau, bên tách trà xanh trong khuôn viên xã, ông Trà Văn Tấn, Bí thư Đảng ủy xã Cây Trường II cứ trầm ngâm về câu hỏi của chúng tôi - ông có thể cho một câu trả lời thật cô đọng về thành tích xây dựng nông thôn mới của xã trong thời gian qua. Xem chừng khó trả lời quá. Việc lớn chàng ràng, phải huy động toàn dân trong mấy năm chung tay cùng làm mới được, nay chỉ trả lời ngắn gọn sao nói được. Thế rồi ông Tấn cũng tâm sự rằng: “Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của nước ta. Việc lớn đương nhiên là khó. Bởi thế, từ ngày tôi về công tác ở xã bắt tay vào làm việc khó nhưng tôi nghĩ đơn giản thôi. Đó là xem cái gì được, cái gì chưa được thì tập trung toàn hệ thống chính trị vào đó mà làm. Hôm nay nhìn lại thành quả xây dựng nông thôn mới của tập thể Đảng bộ và nhân dân xã Cây Trường II, trong lòng tôi vô cùng phấn khởi…”.
Cùng trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cây Trường II cho biết: Xác định việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của địa phương, trong 3 năm qua xã đã quan tâm kiến nghị cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Đến nay các công trình cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, bưu điện, chợ… đã được đầu tư đồng bộ, tạo bộ mặt khang trang cho địa phương. Xã Cây Trường II được chọn triển khai xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, đến cuối 2015 địa phương đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.
Nông thôn đổi mới đồng nghĩa đời sống kinh tế của nhân dân đi lên. Có thể nói Cây Trường II là xã mạnh về chăn nuôi gia súc và cây có múi. Hiện nay trên địa bàn xã có hơn 400 hộ chăn nuôi gia súc gia cầm với tổng đàn hơn 260.000 con. Về trồng trọt, thì đây quả là xứ của nhiều loại cây đặc sản nổi tiếng thơm ngon như bưởi, cam, quýt…
Về Cây Trường II hôm nay chúng tôi cảm thấy niềm vui phấn khởi hiện rõ trong đời sống rất phong phú của người dân. Bởi bà con đến đây từ nhiều vùng đất khác nhau, mang theo nhiều sắc thái văn hóa vùng miền và cùng cộng cư, sinh sống và phát triển kinh tế trên cùng một địa bàn lâu dài nên mọi người sống với nhau thân tình, gắn bó và đều xem Bình Dương là quê hương thứ hai của mình để cùng nhau hướng đến xây dựng vùng đất mới ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Chia tay chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình nói rằng, sự thay đổi, phát triển đi lên của Cây Trường II là đáng ghi nhận. Trong tương lai, khi Khu công nghiệp Cây Trường, Khu nông nghiệp Công nghệ cao nơi đây được hình thành sẽ hứa hẹn nhiều điều hơn nữa để Cây Trường II nói riêng và khu vực phía bắc của tỉnh ngày càng phát triển giàu mạnh hơn. Mong rằng với truyền thống đoàn kết của Đảng bộ Cây Trường II, sự đồng thuận của nhân dân trong xã và những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua sẽ là động lực mạnh mẽ để Cây Trường II tiếp tục vươn lên góp sức cùng với tỉnh nhà hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng phát triển giàu mạnh.
“Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của nước ta. Việc lớn đương nhiên là khó. Bởi thế, từ ngày tôi về công tác ở xã bắt tay vào làm việc khó nhưng tôi nghĩ đơn giản thôi. Đó là xem cái gì được, cái gì chưa được thì tập trung toàn hệ thống chính trị vào đó mà làm. Hôm nay nhìn lại thành quả xây dựng nông thôn mới của tập thể Đảng bộ và nhân dân xã Cây Trường II, trong lòng tôi vô cùng phấn khởi…”.
(Ông Trà Văn Tấn, Bí thư Đảng ủy xã Cây Trường II)
KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU