Qua công tác tuần tra kiểm soát (TTKS), lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện dùng các loại giấy tờ giả, như: Giấy phép lái xe (GPLX) giả, giấy tờ xe giả hoặc có dấu hiệu bị tẩy xóa…
Thượng tá Nguyễn Minh Tấn, Phó trưởng Công an (CA) TX.Bến Cát, cho biết qua TTKS, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) của đơn vị đã phát hiện 2 trường hợp, 2 đối tượng sử dụng sổ kiểm định giả nên đã lập biên bản vụ việc bàn giao cho cấp thẩm quyền xử lý. Đến nay, lực lượng chức năng đã khởi tố 1 vụ, 1 đối tượng và đang thực hiện xác minh điều tra vụ việc còn lại.
Lực lượng CSGT CA tỉnh kiểm soát giấy tờ của người điều khiển phương tiện
“Với tâm lý lười học, một số người lên các trang mạng xã hội đặt mua GPLX để đối phó lực lượng chức năng. Việc sử dụng giấy tờ giả còn khiến gia tăng tội phạm, dẫn đến mất an ninh trật tự. Các giấy tờ này dễ dàng bị lực lượng CSGT phát hiện khi kiểm tra và còn là hành vi vi phạm pháp luật”, Thượng tá Nguyễn Minh Tấn nhấn mạnh.
Theo số liệu của Phòng CSGT CA tỉnh, từ ngày 15-12- 2022 đến 14-9-2023, qua TTKS, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện 112 trường hợp GPLX bị tẩy xóa, nghi giả, 515 trường hợp không có đăng ký xe, đăng ký giả, tẩy xóa. Lực lượng CSGT đã lập biên bản các trường hợp vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật. |
Liên quan đến tình trạng sử dụng GPLX giả để đối phó lực lượng chức năng, Thượng tá Phạm Quang Trưởng, Phó trưởng CA TP.Thuận An, cho biết trong năm 2022, qua TTKS, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng CSGT TP.Thuận An đã phát hiện 7 trường hợp, chủ yếu là GPLX mô tô. Riêng 10 tháng năm 2023, trên địa bàn TP.Thuận An chưa phát hiện trường hợp GPLX nghi giả. Lãnh đạo CA TP.Thuận An chỉ đạo lực lượng CSGT siết chặt việc kiểm tra giấy tờ, dùng các biện pháp nghiệp vụ và xử lý nghiêm nếu phát hiện.
“Việc sử dụng GPLX giả, không qua đào tạo, sát hạch sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Hành vi này tiếp tay cho tội phạm làm giả giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức. Vì vậy, người dân tuyệt đối không mua, không sử dụng GPLX và các giấy tờ trên mạng xã hội”, Thượng tá Phạm Quang Trưởng khuyến cáo.
Theo luật sư Nguyễn Phước Long, Giám đốc Công ty Luật Chánh Nghĩa (Đoàn Luật sư tỉnh), tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Căn cứ vào kết quả điều tra xác minh của lực lượng chức năng, nếu người vi phạm làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
“Siết” công tác sát hạch, cấp GPLX Sở Giao thông - Vận tải cho biết đơn vị đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX” và quán triệt thực hiện Chỉ thị 05/CT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải về đổi mới, tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX đối với 17 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô, 6 trung tâm sát hạch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra công tác đào tạo lái xe, triển khai thực hiện cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Trong 9 tháng năm 2023, Sở Giao thông - Vận tải đã xét duyệt và tổ chức 274 kỳ sát hạch lái xe, trong đó có 126 kỳ đối với mô tô, có 15.577 người đăng ký dự thi. Số người trúng tuyển được cấp GPLX là 12.494 người, đạt tỷ lệ 80,3%. Tổ chức 148 kỳ sát hạch lái xe ô tô với 23.864 người đăng ký dự thi, số người trúng tuyển được cấp GPLX là 15.232 người, tỷ lệ đạt 63,8%. |
QUỲNH ANH - NAM NI