Cấp thiết đánh giá toàn diện hiện trạng của hệ thống y tế Việt Nam

Cập nhật: 20-07-2022 | 16:46:56

Thực tế công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa qua cho thấy hệ thống y tế bị ảnh hưởng nặng nề trước sự tấn công của dịch bệnh.

Sau một thời gian dài ứng phó với dịch COVID-19 và trước tình hình mới, việc cần thiết hiện nay là đánh giá toàn diện hiện trạng của hệ thống y tế Việt Nam, từ đó rút ra những bài học từ kinh nghiệm của đất nước trong việc ứng phó với đại dịch, nhằm tiếp tục củng cố hệ thống y tế Việt Nam để đảm bảo sự phát triển bền vững và duy trì khả năng đáp ứng với các khó khăn, thách thức trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh như vậy tại buổi lễ ký kết Bản ghi nhớ cùng thực hiện chương trình “Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam” (PHSSR) giai đoạn 2022-2025, giữa Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) và Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam (AstraZeneca), diễn ra ngày 20/1 tại Hà Nội.

Hệ thống y tế đã bị ảnh hưởng nặng nề

Theo Giáo sư Trần Văn Thuấn, trải qua các đợt dịch COVID-19 với mức độ gia tăng về tính phức tạp và khó khăn, đến nay, hệ thống y tế Việt Nam đã cho thấy khả năng ứng phó và chống chịu để khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Tuy nhiên, thực tế công tác phòng chống dịch vừa qua cho thấy hệ thống y tế bị ảnh hưởng nặng nề trước sự tấn công của dịch bệnh song hành với những thách thức vốn dĩ từ trước như gánh nặng bệnh không lây nhiễm, già hóa dân số, sự hạn chế của năng lực y tế cơ sở, thiếu hụt nhân viên y tế…

Theo Giáo sư Thuấn, để hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân nằm trong Mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ đã cam kết thực hiện, hệ thống y tế Việt Nam cần được tăng cường toàn diện, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, hướng đến một hệ thống công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của toàn thể nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi lễ.

Tiến sỹ Trần Thị Mai Oanh-Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế cho hay đại dịch là một cơ hội nhìn nhận một cách khách quan, sâu sắc những điểm mạnh và hạn chế của hệ thống y tế.

"Qua chương trình hợp tác này, chúng tôi mong muốn sẽ cung cấp các bằng chứng có giá trị cho xây dựng chính sách y tế để phục hồi hệ thống y tế Việt Nam sau đại dịch và chuẩn bị sẵn sàng khi các dịch bệnh khác xuất hiện. Sự phối hợp của AstraZeneca và các đối tác trong giai đoạn tiếp theo của chương trình vì một hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân,” bà Oanh nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ ông Marcus Winsley-Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam, cho hay hai năm qua COVID-19 đã đưa ra những thay đổi trên toàn thế giới, đòi hỏi hệ thống y tế của mỗi quốc gia cần có tính chống chịu cao, bởi đây là nền tảng để bảo vệ sức khoẻ cho mỗi người dân. Vì vậy, mỗi quốc gia cần có chiến lược y tế dài hạn để tăng cường tính bền vững và sức chống chịu, phục hồi của hệ thống y tế nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình thực tiễn.

Chương trình ký kết hợp tác giữa hai nước có ý nghĩa thiết thực bao gồm nhiều khuyến nghị thực tiễn về chính sách y tế đưa ra trong dài hạn.

Ông Marcus Winsley cho biết thời gian qua, Vương quốc Anh đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực y tế với hơn 2,7 triệu liều vaccine, nhiều trang thiết bị y tế và trao đổi về tri thức giữa chuyên gia giữa hai nước về giải trình tự genne, chống chịu của hệ thống y tế, sức khoẻ tâm thần của thanh thiếu niên…

Ông Marcus Winsley-Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam.

"Lĩnh vực y tế sẽ là mũi nhọn để hai nước đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới. Các chuyên gia của Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế thông qua các chương trình giám sát bệnh không lây nhiễm, hệ thống y tế số, xây dựng hệ thống y tế bền vững và có khả năng chống chịu tốt…," Phó Đại sứ Anh Marcus Winsley khẳng định.

Tăng tính bền vững - ưu tiên hàng đầu

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới hệ thống y tế và an sinh xã hội, việc tăng cường tính bền vững và sức chống chịu của hệ thống y tế được đánh giá là một ưu tiên hàng đầu nhằm góp phần đảm bảo Việt Nam có thể phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với các thách thức y tế trong tương lai.

Theo Thứ trưởng Thuấn, hợp tác vì tính bền vững và chống chịu của hệ thống y tế sáng lập bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đại học Kinh tế London và AstraZeneca. Đặc biệt, Việt Nam là một trong 8 nước đầu tiên tiến hành đánh giá tính bền vững và tính chống chịu của hệ thống y tế, từ đó đề xuất các khuyến nghị giúp hệ thống y tế nâng cao năng lực dự báo, chuẩn bị, đương đầu và thích nghi với những thử thách, khủng hoảng y tế trong tương lai.

Ông Nitin Kapoor-Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam và Các thị trường mới nổi khu vực châu Á, cho biết: “Trong giai đoạn này, khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt, chúng ta cần tận dụng cơ hội để giải quyết các nhu cầu vốn cũng rất quan trọng và cấp bách khác như chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, hô hấp… hay đảm bảo khả năng duy trì liên tục nguồn tài chính y tế và thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế."

Các bên ký kết chương trình hợp tác toàn diện trong ba năm.

Vì vậy, sáng kiến hợp tác này sẽ giúp củng cố toàn diện hệ thống y tế, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển và sản xuất thuốc trong nước, cũng như mang lại giá trị cho toàn xã hội.

Chương trình hợp tác toàn diện trong ba năm (2022-2025) nhằm mục tiêu tăng cường tính bền vững và sức chống chịu, phục hồi của hệ thống y tế Việt Nam.

Theo Bản ghi nhớ để cùng thực hiện chương trình “Hợp tác vì Tính bền vững và Khả năng chống chịu của Hệ thống y tế Việt Nam” (PHSSR) giai đoạn 2022-2025, với sự hỗ trợ của AstraZeneca, Viện Chiến lược và chính sách y tế sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, khuyến nghị các giải pháp chính sách theo ba mục tiêu chính, trong đó bao gồm củng cố tính bền vững của tài chính y tế; đảm bảo khả năng tự chủ cung ứng thuốc và vaccine của Việt Nam; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại các cơ sở y tế.

Bản ghi nhớ hợp tác này nối tiếp sự thành công của giai đoạn thí điểm chương trình PHSSR toàn cầu năm 2020-2021, sáng lập bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đại học Kinh tế London và AstraZeneca. Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên được mời tham gia chương trình này./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên