Trong 25 năm xây dựng và phát triển, bằng nỗ lực vượt bậc, Đảng bộ, chính quyền và đội ngũ y bác sĩ tỉnh nhà ngày ngày vẫn cần mẫn vun đắp, xây dựng ngành y tế ngày càng phát triển. Qua đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được nâng lên về nhiều mặt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Được quan tâm đầu tư, đến nay ngành y tế tỉnh đã có bước phát triển quan trọng. Trong ảnh: Các bác sĩ đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cấy dưới da cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Một thời gian khó
Với phong thái minh mẫn, hoạt bát, bác sĩ Nguyễn Thị Hà Sinh, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh giai đoạn 1994- 2001 tiếp chúng tôi bằng câu chuyện của 25 năm về trước. Bà kể lại câu chuyện những ngày đầu bắt tay vào công cuộc xây dựng ngành y tế tỉnh nhà. Sau khi được cử đi học ở Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, ra trường, bà được điều động về Bệnh viện Đa khoa Sông Bé công tác. Năm 1994, bà giữ chức Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sông Bé và sau 3 năm thì tách tỉnh.
“Sau ngày tách tỉnh, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men phục vụ khám chữa bệnh còn hạn chế, thiếu thốn nhiều lắm. Đặc biệt là y tế tuyến xã thiếu bác sĩ trầm trọng. Ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách đãi ngộ, thu hút bác sĩ về phục vụ tuyến cơ sở. Cuối năm 1999, toàn tỉnh có 100% xã có trạm y tế kiên cố, trên 30% trạm có bác sĩ khám, chữa bệnh. Đội ngũ y, bác sĩ với lương tâm của người thầy thuốc luôn cố gắng khắc phục khó khăn, lấy việc cứu chữa người bệnh để động viên nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao”, bác sĩ Hà Sinh nói.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Văn Hóa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh chia sẻ, sau ngày tách tỉnh, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Nỗi trăn trở lớn nhất lúc ấy của ngành y tế là đòi hỏi người thầy thuốc luôn phải đổi mới tư duy và năng động để đáp ứng yêu cầu phát triển. Thời ấy, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụy khoa của ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu, xuống cấp trầm trọng. Hơn nữa, đội ngũ cán bộy tế còn mỏng, không đủ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở vùng xa thị thành.
Công tác vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh còn yếu, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em chưa tốt, số bà mẹ thiếu sức khỏe, trẻ em suy dinh dưỡng còn chiếm tỷ lệ cao. Bác sĩ Hóa nói: “Nhớ lại những khó khăn trong thời kỳ ấy, tôi phấn khởi trước những kết quả mà tỉnh đạt được trong 25 năm qua. Bệnh viện, phòng khám, trạm y tế xã phường được xây dựng nhiều. Tỉnh có nhiều bệnh viện quốc tế đạt chất lượng cao như: Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, Bệnh viện Columbia, Bệnh viện Quốc tế Becamex… Đặc biệt dựán xây dựng Bệnh viện 1.500 giường đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn”.
Đột phá xã hội hóa y tế
Trong 25 năm qua, chính sách khuyến khích xã hội hóa (XHH) y tế đã tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập chủ động, phát huy sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh theo nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Chưa bao giờ mạng lưới cơ sở y tế ngoài công lập phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Cụ thể, chỉ trong vòng 5 năm (2015-2020), Bình Dương đã đưa vào khai thác 4 bệnh viện tư nhân và đưa vào sử dụng trên 1.700 giường bệnh mới. Công tác XHH y tế được đẩy mạnh, thu hút được nhiều thành phần tham gia, đến nay toàn tỉnh có 878 cơ sở y tế ngoài công lập.
Nhờ chính sách linh hoạt đẩy mạnh thu hút đầu tư, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 đề án liên doanh, liên kết trong lĩnh vực y tế. Tiêu biểu phải kể đến Đề án chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 4 đề án liên doanh, liên kết tại Trung tâm Y tế TP.Thuận An (máy CT-Scanner; xây dựng khu khám bệnh, điều trị nội trú theo yêu cầu; lắp đặt máy lĩnh vực y học cổ truyền, phục hồi chức năng; lắp đặt máy miễn dịch huỳnh quang và máy phân tích khí máu động mạch cầm tay cho khoa hồi sức cấp cứu). Ngoài ra, tỉnh còn có 44 cơ sở y tế tư nhân thực hiện công tác tiêm chủng, 5 đơn vị tư nhân thực hiện quan trắc môi trường lao động. Trong bối cảnh các đơn vị sự nghiệp công lập đẩy mạnh tự chủ tài chính, việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân để phát triển các cơ sở y tế công lập càng được quan tâm hơn. Khu khám bệnh điều trị nội trú theo yêu cầu bằng hình thức XHH đang thực hiện các thủ tục hoàn công với tổng mức đầu tư 61,6 tỷ đồng và đã đưa vào hoạt động.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết qua thực tiễn hoạt động, nghiên cứu đánh giá chỉ ra rằng, chính sách khuyến khích XHH đã làm thay đổi tư duy của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong huy động vốn, phục vụ chuyên môn mà không chờ vào ngân sách. Khắp các địa phương dấy lên phong trào XHH y tế. Tại TP.Thủ Dầu Một, trong 5 năm qua đã kêu gọi thực hiện 7 công trình như: Trung tâm y tế, trang thiết bị phòng khám chăm sóc trước sinh, trang thiết bị cơ sở điều trị Methadone. Hay tại TX.Tân Uyên, công tác XHH được thị xã thực hiện thành công với 1 bệnh viện đa khoa, 7 phòng khám đa khoa, 48 phòng khám chuyên khoa, 12 dịch vụ y tế, 11 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 1 trạm y tế công ty và 411 cơ sở hành nghề dược tư nhân. Từ việc triển khai hiệu quả công tác XHH, các trung tâm y tế đã tích lũy được quỹ phát triển sự nghiệp để tái đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nhân lực y tế, từng bước tạo niềm tin cho nhân dân.
Hiện nay, toàn tỉnh có 3 bệnh viện tuyến tỉnh, 6 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, 9 trung tâm y tế tuyến huyện, 19 phòng khám đa khoa khu vực, 91 trạm y tế, 2 bệnh viện ngành, 15 bệnh viện tư nhân, 57 phòng khám đa khoa tư nhân, 24 trạm y tế doanh nghiệp, 658 phòng khám chuyên khoa tư nhân và 3.008 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có trạm y tế của tỉnh đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ đạt 100%, số giường bệnh/10.000 dân là 20,04; số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 7,5. 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. |
HOÀNG LINH