Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân: Cần có sự cảm thông

Cập nhật: 03-08-2011 | 00:00:00

Hiện có khoảng 600.000 công nhân lao động là người từ các nơi khác đến làm ăn sinh sống ở Bình Dương; trong đó có khoảng 50% là nữ trong độ tuổi sinh sản. Song tỷ lệ chị em hiểu biết, cũng như được chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) còn rất ít. Đội ngũ cán bộ y tế, ban ngành, cộng tác viên DS-KHHGĐ quan tâm tư vấn, CSSKSS, khám chữa bệnh phụ khoa, thực hiện các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại miễn phí. Nhưng xem ra tỷ lệ công nhân được hưởng các gói của chương trình rất ít. Vì sao?

  Tiếp đón và tư vấn CSSKSS cho nữ công nhân tại Phòng khám Marie Stopes international Bình Dương ở TX.Dĩ An

Em Lê Thị Mỹ L. ở Nam Định, đang trọ ở phường An Phú, TX.Thuận An cho biết: “Em vừa nghỉ một thời gian để sinh con, mới đi làm lại. Mấy chị ở địa phương vận động ra bệnh viện thực hiện các BPTT hiện đại, mà em bận đi làm hoài, đâu dám nghỉ làm mà đi. Em sợ bị trừ lương, hoặc bị công ty đuổi việc thì chết. Dù biết đi với mấy chị là có quyền lợi, là được miễn phí nhưng công việc quan trọng hơn. Ngày nghỉ, em sẽ đến phòng mạch tư để thực hiện BPTT”...

Nghe em nói, rồi nhìn em gầy mòn, xanh xao mà thấy thương cho thân phận phụ nữ. Không mấy khi nhìn thấy các đấng mày râu đi thực hiện các BPTT. Các anh đã “khoán” nhiệm vụ này cho vợ, cho người yêu. Còn chị em vẫn với đức tính của người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, hy sinh tất cả cho gia đình, chồng con, không tính toán thiệt hơn.

Nặng nợ áo cơm

Đâu chỉ khi mang thai, sinh đẻ, thực hiện các BPTT, mà cả gánh nặng kinh tế của gia đình cũng đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của phái yếu. Và để rồi sau đó, bao hệ lụy đã xảy ra khi mà SKSS của chị em nữ công nhân chưa được quan tâm đúng mức. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, Trưởng trạm Y tế xã Chánh Phú Hòa, Bến Cát, nơi đạt hiệu quả cao nhất tỉnh trong chiến dịch truyền thông DS-KHHGĐ vừa qua, cho biết: “Toàn xã có 3.000 người từ nơi khác đến, đa số làm công nhân trong Khu công nghiệp Mỹ Phước 3. Dân địa phương thì đến với chiến dịch truyền thông DS-KHHGĐ bất cứ ngày nào. Còn công nhân nữ họ chỉ đến vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Chúng tôi thấy SKSS của nữ công nhân rất đáng lo. Lương thấp; 1,6 triệu đồng/tháng, có tăng ca thì được 2 triệu đồng nhưng phải lo quá nhiều khoản: gửi tiền về quê, nhà trọ, nên họ ăn uống qua loa, không dám mua thịt. Dinh dưỡng không đầy đủ, còn thường xuyên tăng ca, nên họ thường bị ngất xỉu. Còn thực hiện BPTT cũng vậy. Nay thực hiện đặt vòng, mai là họ đi làm liền. Đúng ra phải nghỉ một tuần, cho ổn định vòng, sức khỏe. Còn làm liền, sẽ có nguy cơ lệch vòng, tuột vòng... Một số người không đến trạm y tế mà đến phòng khám ngoài giờ để thực hiện các BPTT. Chúng tôi vận động họ xin nghỉ làm để được miễn phí trong khám, chữa bệnh, thực hiện các BPTT. Họ nói: Xin nghỉ làm bị trừ lương còn nhiều hơn là đi thực hiện BPTT tại phòng mạch tư; một ngày công có 90.000 đồng, nhưng nếu nghỉ làm sẽ bị trừ đến 150.000 đồng/ngày”.

Cần lắm sự cảm thông

Bác sĩ Phan Hùng Kha, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ ở Bến Cát cũng rất lo lắng cho chị em nữ công nhân: “Nếu như chúng ta đã thực hiện chiến dịch ngay cả trong các ngày thứ bảy, chủ nhật, thì các vị lãnh đạo địa phương, ngành y tế, DS-KHHGĐ nên can thiệp, đấu tranh cho chị em công nhân được nghỉ làm để được hưởng quyền lợi từ chiến dịch truyền thông DS-KHHGĐ; đặc biệt là khi chị em thực hiện đình chỉ thai ngoài ý muốn, thực hiện các BPTT xong cũng phải được nghỉ làm vài ngày đến 1 tuần mới có thể hồi phục sức khỏe và BPTT hiện đại mới đạt hiệu quả”.

Nhà nước đã có Luật Lao động, đã có chính sách đối với lao động nữ, đã có những chiến dịch truyền thông DS-KHHGĐ được xã hội hóa cao. Và trên thực tế vẫn có những doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm CSSKSS cho chị em phụ nữ. Cách đây 5 năm, Tập đoàn Giày ADIDAS đã hợp đồng với Phòng khám Marie Stopes International Bình Dương (MSI) tại TX.Dĩ An để CSSKSS cho nữ công nhân ngành giày. Với thỏa thuận này đã có hàng trăm ngàn lượt nữ công nhân ngành giày được MSI giáo dục, tư vấn về SKSS, được CSSKSS. Song đây vẫn còn là những con số khiêm tốn. Nhiều doanh nghiệp vẫn lạnh lùng, nghiêm ngặt trong việc chấm công, trừ lương. Họ quan tâm đến hiệu quả của dây chuyền sản xuất, của lợi nhuận công ty mà thiếu quan tâm đến một bộ phận công nhân nữ rất có ý thức kỷ luật lao động, rất mong được lĩnh số tiền lương, thưởng trọn vẹn, thậm chí là cao nhất, nhưng cũng quá áp lực với nhiều thiên chức: làm  mẹ, làm vợ... Một bộ phận phụ nữ cần biết bao sự quan tâm chia sẻ của người yêu, của chồng và cả sự cảm thông, lòng nhân ái của những người chủ, mà vì cuộc sống ngày ngày họ phải “bán” sức lao động, để đổi lấy miếng cơm, manh áo.

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=340
Quay lên trên