Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Thúc đẩy kinh tế hội nhập nhanh chóng

Cập nhật: 16-11-2021 | 08:23:30

Trước xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai đề tài nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu xây dựng định hướng chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2045”.

 Hoạt động nghiên cứu sáng tạo tại phòng Falap trường Cao đẳng Nghề Đồng An (ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh bùng phát)

 Tạo nền tảng và động lực phát triển

KH&CN đã và đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đóng vai trò then chốt trong tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và phát triển bền vững. Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Bình Dương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất. Điều này góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong những năm qua.

Đặc biệt trong 10 tháng năm 2021, KH&CN càng khẳng định vai trò quan trọng trong công tác phòng chống, điều trị dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế. Công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN được đẩy mạnh, nhiều chương trình được triển khai, như xây dựng Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Bình Dương”; chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016- 2020” và rất nhiều các dự án, đề tài KH&CN khác.

Đến nay, ngành KH&CN Bình Dương đã có những bước chuyển biến rõ rệt, đặc biệt trong việc hỗ trợ phát triển công nghiệp, công nghệ cao, đóng góp vào công cuộc phát triển KT-XH, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Bình Dương đã triển khai nhiều nghiên cứu, dự án ứng dụng có hiệu quả, một số kết quả nổi bật có thể kể đến như nghiên cứu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với cây có múi; giải pháp nâng cao nguồn lao động, giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân... Tuy vậy, hoạt động KH&CN tại Bình Dương còn một số tồn tại cần giải quyết.

Ông Nguyễn Mộng Giang, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN, cho biết: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số đề tài, dự án có tính ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế. Hoạt động đầu tư đổi mới, ứng dụng các dây chuyền, thiết bị công nghệ đồng bộ, hiện đại vào sản xuất còn chưa được đáp ứng kỳ vọng, cần phải tăng cường đầu tư. Trình độ KH&CN trên địa bàn tỉnh ở mức cao nhưng chưa đồng bộ. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển tương xứng với tốc độ phát triển công nghiệp, năng lực cạnh tranh của các DN còn thấp, xuất khẩu hiện vẫn dựa chủ yếu vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (trên 80%); tính liên kết chuỗi, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội”.

Thách thức lớn nhất trong phát triển KT-XH của tỉnh hiện nay là duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, hiệu quả, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi KH&CN phải có trách nhiệm lớn hơn, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển KT-XH và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh tỉnh đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng thành phố thông minh, Vùng ĐMST. Ông Nguyễn Mộng Giang, cho biết thêm: “Việc đề xuất xây dựng định hướng chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là cần thiết. Mục tiêu là tập trung xây dựng, phát triển và nâng cao năng lực KH&CN, ĐMST đạt trình độ cao, tạo nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, đẩy mạnh hiện đại hóa”.

Nâng cao hiệu quả

Với bối cảnh hiện nay, KH&CN và ĐMST được nhấn mạnh là cơ sở cho phát triển nhanh và bền vững, tập trung các nguồn lực để phát triển, ứng dụng, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển KT-XH. Theo đề xuất trong Đề tài “Xây dựng định hướng chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”, giai đoạn 2021-2030, Bình Dương cần phải tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phù hợp với cơ chế thị trường, phù hợp với các chính sách chung của Đảng và Chính phủ. Cơ cấu lại các chương trình KH&CN, tập trung đầu tư một số ngành quan trọng, như phát triển mạnh mẽ khoa học xã hội và nhân văn, gắn chặt với khoa học tự nhiên và công nghệ cao.

Bên cạnh đó, phát triển và nâng cao hiệu quả ĐMST, tăng cường hoạt động khởi nghiệp, lấy DN làm trung tâm, thúc đẩy các mô hình kinh tế mới, phát triển thành phố thông minh, khu công nghiệp công nghệ cao. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn, thành lập các DN KH&CN và phát triển mạnh thị trường, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng đầu tư cho KH&CN. Đồng thời, trong giai đoạn 2021- 2030, để phát triển các chương trình KH&CN, tỉnh cần tập trung hướng tới ĐMST, ứng dụng thành tựu công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển KT-XH; nghiên cứu các vấn đề KH&CN phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn; nghiên cứu y dược nâng cao sức khỏe cộng đồng.

 Ông Nguyễn Mộng Giang, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN: “Đề tài nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng định hướng chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045” phục vụ trực tiếp cho việc phát triển KH&CN của tỉnh Bình Dương. Khi đề tài được UBND tỉnh phê duyệt sẽ góp phần đưa ra được các mục tiêu, phương hướng cụ thể để phát triển KH&CN tỉnh nhà. Từ đó, phát triển và nâng cao các hoạt động KH&CN của tỉnh, thúc đẩy các hoạt động gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hoạt động ĐMST, thị trường công nghệ, khởi nghiệp và tăng năng suất lao động”.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=781
Quay lên trên