Chính phủ lắng nghe ý kiến các địa phương về kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII

Cập nhật: 31-10-2023 | 14:31:31

(BDO) Sáng 31-10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành về hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII). Tại điểm cầu Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 


Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến

Quy hoạch điện VIII quy hoạch tổng công suất thủy điện là 29.346 MW, tổng công suất thủy điện tích năng là 2.400 MW, tổng công suất pin lưu trữ là 300 MW.  Tổng công suất nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ là 2.700 MW, tổng công suất nhiệt điện than là 30.127 MW, tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW và tổng công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW.

Về nguồn năng lượng tái tạo của các địa phương đến năm 2030 có tổng công suất điện gió trên bờ  là 21.880 MW, công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tăng thêm là 2.600 MW.  Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 57,1 tỷ USD và từ 2026-2030 là  77,6 tỷ USD. 

Quy hoạch điện VIII nêu việc phát triển điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà do cấp thẩm quyền ban hành, phù hợp với quy mô công suất được phê duyệt. 

Quy hoạch điện VIII cũng cho biết tổng công suất điện sinh khối, điện sản xuất từ rác là 2.270 MW. Vốn đầu tư cho các dự án đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công…

Đáng chú ý, dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nêu rõ: Trong quá trình triển khai, nếu các dự án nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII gặp khó khăn, vướng mắc, không triển khai được, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm đẩy tiến độ các dự án quy hoạch giai đoạn sau lên trước và (hoặc) lựa chọn các dự án khác thay thế để bảo đảm an ninh cung cấp điện…


Ông Mai Hùng Dũng (bên phải, hàng trên) chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Dương 

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã nêu tình hình thực tế, nhu cầu về điện của địa phương để phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội; đề xuất phát triển điện năng lượng tái tạo như điện năng lượng mặt trời áp mái, điện sinh khối từ quá trình đốt rác. 

Tuy nhiên, theo lý giải của Bộ Công thương, hiện nay do đặc thù của điện tái tạo năng lượng mặt trời chỉ sản xuất ra trong thời gian ban ngày, nếu phát triển vượt quá khả năng bù đắp vào ban đêm, khi đó nguồn phát điện nền từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện sẽ không thể kịp bù đắp công suất, dễ dẫn đến rã lưới, gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ghi nhận ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương; trên cơ sở đề xuất, phân bổ công suất các nguồn điện vùng, miền, các địa phương cần xây dựng cụ thể về nhu cầu điện cho tất cả các khu vực để góp phần cùng Chính phủ ban hành kế hoạch sát với tình hình thực tiễn để bảo đảm nguồn điện cung cấp cho các địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050…  

Tin, ảnh: Minh Duy 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=934
Quay lên trên