Thực hiện Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, tỉnh đã đầu tư trùng tu, tu bổ và phục hồi các di tích (DT) lịch sử, văn hóa. Các công trình mang dấu ấn thời gian này giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về đất và người Bình Dương, tinh thần đấu tranh anh dũng của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến.
Tích cực trùng tu
Hiện nay, toàn tỉnh có tổng cộng 52 DT đã được xếp hạng, trong đó có 12 DT cấp quốc gia và 40 DT cấp tỉnh. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã bàn giao cho các huyện, thị, thành phố quản lý 40 DT cấp tỉnh. Ngoài ra, còn các DT chưa được xếp hạng, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh (Ban QLDT-DT) tiếp tục tổ chức khảo sát để hoàn thành công tác kiểm kê phổ thông. Trên cơ sở đó chọn lọc, hoàn thiện những hồ sơ di tích có giá trị cao để đề nghị Bộ VH-TT&DL; UBND tỉnh xếp hạng, trong đó ưu tiên cho các di tích lịch sử cách mạng và kiến trúc nghệ thuật. Từ năm 2011 đến năm 2015, UBND tỉnh đã ra quyết định xếp hạng 12 DT; Bộ VH-TT&DL xếp hạng 1 DT cấp quốc gia.
Chùa Núi Châu Thới thu hút khách đến hành hương, tham quan
Để DT trường tồn theo thời gian, công tác trùng tu, tôn tạo cũng được UBND tỉnh quan tâm. Các DT quốc gia được Ban QLDT-DT quản lý tốt, thường xuyên thực hiện công tác chống mối mọt, chống xuống cấp theo định kỳ; tham mưu tỉnh đầu tư ngân sách để trùng tu, tôn tạo và xây mới các công trình nhằm phát huy tốt giá trị 11 DT cấp Quốc gia. Trong đó, DT cấp Quốc gia đã được xây mới các hạng mục như: Địa đạo Tam giác sắt, hoàn thành công trình trùng tu, tôn tạo cuối năm 2015 đưa vào phục vụ khách tham quan; Nhà tù Phú Lợi, hoàn thành công trình trùng tu, tôn tạo, cuối năm 2014; DT nhà ông Trần Văn Hổ, sửa chữa, bảo quản, phục hồi theo hàng năm, phục vụ tốt công tác tuyên truyền và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật cho thế hệ trẻ; DT Chiến khu Đ, đã hoàn thành một số hạng mục…
Đối với DT cấp tỉnh, một số đã được địa phương quan tâm đầu tư tôn tạo, quản lý tốt, đồng thời có đầu tư xây dựng mới. Cụ thể, huyện Dầu Tiếng có bia DT căn cứ Vườn Trầu, Địa điểm Mỹ rải bom B52 lần đầu tiên, Vườn cây cao su thời Pháp thuộc; Tân Uyên có DT Chiến khu Vĩnh Lợi; Thuận An có di tích Chiến khu Thuận An Hòa; huyện Bàu Bàng có DT Chiến thắng Bàu Bàng.
Phát huy giá trị DT
Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết không những chú trọng công tác trùng tu, Ban QLDT-DT tỉnh đã nỗ lực đưa ra các hoạt động để đưa người dân, du khách đến với DT. Từ đó phát huy hết giá trị văn hóa, lịch sử của DT. Đối với DT cấp Quốc gia, chủ yếu là 2 DT Nhà tù Phú Lợi và kiến trúc nghệ thuật nhà cổ Trần Văn Hổ khai thác phát huy giá trị, phục vụ khách tham quan. Những DT này thường xuyên mở cửa đón khách tham quan, mỗi năm trung bình trên 40.000 lượt khách đến tham quan, hội trại, tổ chức lễ kết nạp đoàn viên…
Du khách đến tham quan Nhà tù Phú Lợi
Ban QLDT-DT phối hợp với Phòng Du lịch Sở VH-TT&DL in và phát hành tờ bản đồ Du lịch Bình Dương và tập gấp giới thiệu các DT tiêu biểu của tỉnh Bình Dương đến với du khách trong và ngoài nước; thực hiện 3 cuốn phim tư liệu cho DT Nhà tù Phú Lợi, DT nhà cổ Trần Công Vàng và DT nhà cổ Trần Văn Hổ. Phòng Du lịch của Sở VH-TT&DL đã đăng ký với các đơn vị du lịch lữ hành tổ chức các tour khách tham quan đến 6 DT cấp Quốc gia: Nhà tù Phú Lợi, nhà cổ Trần Văn Hổ, nhà cổ Trần Công Vàng, chùa Hội Khánh, chùa núi Châu Thới, đình Phú Long và tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin. Một số DT cấp tỉnh thường xuyên được kết nối tour du lịch đưa khách đến tham quan: lò lu Đại Hưng, đình Tân An, núi Cậu Dầu Tiếng, dinh tỉnh trưởng Phước Thành… Còn lại những DT đa phần là đình, chùa thường đến các ngày lễ cúng trong năm người dân và du khách đến lễ cúng và thưởng ngoạn DT. Hàng năm, Sở VH-TT&DL cũng đã tổ chức ngày di sản văn hóa, ngày về nguồn, thi tìm hiểu lịch sử - văn hóa của địa phương, hội thi trò chơi dân gian tại DT, đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên.
Với những nỗ lực đó, DT lịch sử, văn hóa Bình Dương đang dần trở thành điểm đến quen thuộc của học sinh, sinh viên, du khách trong và ngoài tỉnh vào những ngày lễ lớn của đất nước, hay dịp cuối tuần. Cũng nhờ những DT này, thế hệ trẻ biết thêm về bản sắc văn hóa địa phương, tìm hiểu lịch sử của vùng đất Bình Dương.
Tổng kinh phí bảo quản, tu bổ, phục hồi DT Bình Dương từ 2011- 2015 hơn 405 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách: trên 395 tỷ đồng, kinh phí xã hội hóa hơn 10 tỷ đồng). DT Quốc gia trùng tu với số tiền 321 tỷ đồng, DT cấp tỉnh là 84 tỷ đồng.
T.LÝ