Bài 15: Tam giác sắt anh hùng!
Chiến tranh đã trôi qua 40 năm nhưng cái tên Tam giác sắt hào hùng vẫn còn in đậm trong tâm thức của mọi người, đặc biệt là người dân Bình Dương. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước, trải qua hàng chục trận càn quét tàn bạo của kẻ thù, Tam giác sắt vẫn kiên cường đứng vững, trở thành biểu tượng về lòng kiên trung, bất khuất của người dân Việt Nam.
Tam giác sắt là tên do chính quân viễn chinh Mỹ đặt (Iron Trianggle) để chỉ một vùng đất mà trung tâm của nó hiện trên bản đồ là một hình tam giác. Tam giác sắt thuộc địa phận của 3 xã Phú An, An Tây, An Điền nằm ở phía Tây Nam của Bến Cát và cũng là nguồn gốc của vùng Tam giác sắt rộng lớn về sau. Tại nơi này, địa đạo Tây Nam đã hình thành, trở thành mắt xích quan trọng của cuộc chiến, tạo nên một trận địa vây khốn quân thù khiến chúng khiếp sợ và chịu những tổn thất nặng nề. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trước đây, vùng đất 3 xã Tây Nam Bến Cát sớm nổi danh với Chiến khu An Thành. Thuở đó, An Thành đã từng là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu bộ miền Đông, Xứ ủy Nam bộ, Đặc Khu ủy Sài Gòn- Gia Định và nơi đây về sau tiếp tục là căn cứ địa của Huyện ủy Bến Cát, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn... Kẻ địch đã nhiều lần tấn công để tiêu diệt căn cứ này nhưng bao nhiêu cố gắng của quân Ngụy và quân Mỹ đều bị thất bại, lực lượng cách mạng vẫn hiên ngang bám đất, bám dân, giáng trả cho kẻ thù những đòn đánh sấm sét. Bởi vì, nơi đây ta có chỗ dựa của lòng dân, có thế trận của chiến tranh nhân dân Việt Nam mà địa đạo Tây Nam giữ vai trò rất quan trọng.
Trong chiến tranh, người dân tại vùng Tam giác sắt đã sớm giác ngộ cách mạng, dù phải trải qua rất nhiều thử thách khắc nghiệt, gian lao, hy sinh nhưng vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Kỳ công địa đạo Tây Nam là công sức của tất cả quân và dân 3 xã An Tây, An Điền, Phú An. Trong những tháng ngày nóng bỏng của cuộc chiến, phong trào nhà nhà đào địa đạo, người người tham gia đào địa đạo. Cả 3 xã Tây Nam như một công trường xây dựng trong sự âm thầm nhưng đầy quyết liệt. Trong tay những “người công nhân” tại công trường này chỉ có những vật dụng thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre nhưng trong trái tim họ là một luồng nhiệt huyết cách mạng giết giặc lập công, một ý chí chiến đấu kiên cường hướng đến ngày mai thống nhất nước nhà, non sông thu về một mối.
Tại Tam giác sắt, hàng trăm con đường hầm ngang dọc len lỏi trong lòng đất, nối liền các xã với nhau. Việc chuyển tải hàng vạn mét khối đất đem đi “phi tang” ở nơi khác để giữ bí mật địa đạo đã là chuyện vô cùng gian khổ, công phu và cũng có thể nói là một kỳ công. Công tác xây dựng và củng cố địa đạo được tiến hành một cách toàn diện về cả chính trị, quân sự, kinh tế. Với hệ thống địa đạo dài gần 100km, khoảng 50 ô ụ chiến đấu và nhiều hầm để trú ẩn, cứu chữa thương binh, dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm..., địa đạo Tây Nam là căn cứ địa của nhiều cơ quan và tổ chức kháng chiến, đây còn là chiến trường tiêu diệt địch tại chỗ. Đường xương sống, đường chính của địa đạo cách mặt đất 4m. Đường hầm có chiều cao 1,2m, rộng 0,8m, có những đoạn được cấu trúc từ 2 - 3 tầng, chỗ lên xuống có nắp đậy bí mật. Trong địa đạo có những nút chặt ở những điểm cần thiết, dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi ra ngoài được ngụy trang kín đáo. Chung quanh cửa hầm bí mật lên xuống được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái, có cả mìn lớn chống tăng và mâm phóng lựu chống máy bay trực thăng đổ chụp nhằm ngăn chặn địch tới gần. Liên hoàn với địa đạo còn có các hầm rộng để nghỉ ngơi sau chiến đấu, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực thực phẩm, nước uống, có giếng nước, hầm nấu ăn, hầm làm việc, chỉ huy, hầm nuôi dưỡng thương binh… Đường xương sườn (các nhánh phụ), được đào từ đường chính về các ấp. Đi liền với các nhánh phụ là các ô ụ chiến đấu. Mỗi nhánh phụ dài 1km với 3 ụ chiến đấu. Xung quanh ô ụ chiến đấu được bố trí các hầm chông, mìn và ngụy trang cẩn thận. Từ căn cứ này, nhiều lực lượng vũ trang chủ lực của ta đã làm bàn đạp xuất phát tiến công vào sào huyệt kẻ địch trong những trận đánh lớn, chiến dịch lớn.
Trong ký ức của mỗi người dân vùng Tam giác sắt hôm nay, những tháng ngày hào hùng của cuộc kháng chiến vẫn luôn là niềm tự hào khắc ghi sâu đậm trong tâm khảm không bao giờ phai mờ. Những tháng ngày gian lao mà anh dũng đó, các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận tại nơi đây đều chăm lo cho nhân dân, mối quan hệ quân - dân luôn đoàn kết thành một khối thống nhất, sẵn sàng đương đầu với kẻ thù bạo tàn. Dựa vào địa đạo để ém giấu quân và ô ụ chiến đấu đã bố trí sẵn, nhân dân ở những vùng Tam giác sắt đã kiên cường bám trụ, khôn khéo luồn lách, giáng cho cả quân chủ lực Ngụy và quân viễn chinh Mỹ những đòn đau trong những cuộc hành quân càn quét của chúng. Quân và dân vùng Tam giác sắt đã bẻ gãy và loại bỏ được hàng ngàn tên địch, xe quân sự, xe cơ giới, máy bay, tàu chiến… tạo nên những chiến công huy hoàng vang mãi cho đến mai sau.
Bài 16: Vững vàng trong mưa bom, bão đạn
CAO SƠN - KIẾN GIANG