Bài 8: Miền Đông rền vang tiếng súng
Cùng với quân và dân toàn Miền, sau đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong Tết Mậu Thân 1968, các lực lượng vũ trang Phân khu 5 cũng như lực lượng vũ trang Dầu Tiếng, Bến Cát được học tập, quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm, tiếp tục chiến đấu dù biết rằng những ngày sắp tới cuộc chiến đấu diễn ra càng khó khăn, ác liệt hơn trước sự phản kích quyết liệt của địch.
Thực hiện quyết tâm của Trung ương Cục, nhiệm vụ của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở đợt tấn công lần thứ hai đánh vào các mục tiêu địch trong nội ô Sài Gòn. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Phân khu 5 đã động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang Phân khu nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, xây dựng quyết tâm chiến đấu cao, giữ vững tư tưởng tiến công, khắc phục tư tưởng ngán ngại khó khăn, ác liệt của chiến trường, quyết tâm giành thắng lợi lớn nhất.
Quân giải phóng miền Nam tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 Ảnh: Tư liệu
Đợt hai chiến dịch thời gian kéo dài, trong khi ta không còn yếu tố bí mật, bất ngờ. Địch điên cuồng phản kích cả trong nội ô Sài Gòn và trong vùng ven đô. Tại chiến trường Lái Thiêu diễn ra những trận đánh ác liệt ở các địa bàn khu Thuận An Hòa và các xã An Sơn, An Thạnh, Bình Nhâm, Bình Chuẩn… Để căng địch ra đối phó tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực hoạt động, Ban Chỉ huy Huyện đội Lái Thiêu sử dụng Trung đội Nữ pháo binh, do đồng chí Lê Thị Trung làm Trung đội trưởng kiêm Chính trị viên; Nguyễn Thị Huệ làm Trung đội phó, tổ chức những trận pháo kích khống chế địch đóng chốt Gò Chùa, căn cứ dã ngoại tại Vườn Thơm, ngã ba Cây Mít của Sư đoàn 5 ngụy; pháo kích chi khu quân sự Lái Thiêu, bót Dốc Dài, bót ngã năm Chùm Sao, tua Hưng Lộc… diệt và làm bị thương hàng chục tên địch.
Trong khi đó, Đại đội 63 của huyện Lái Thiêu, Đại đội 65 thị xã phối hợp với Tiểu đoàn 6 thuộc Sư đoàn 7 cùng du kích các xã An Thạnh, An Sơn, Bình Nhâm tập kích vị trí địch đóng quân của Tiểu đoàn 2, thuộc Sư đoàn 5 ngụy tại ngã tư Phú Văn, đánh địch phản kích, loại khỏi vòng chiến đấu gần 400 tên địch, bắn rơi 14 máy bay trực thăng, bắn cháy và phá hủy 14 xe tăng, xe bọc thép. Tiếp đó, lực lượng vũ trang Lái Thiêu phối hợp với lực lượng Trung đoàn 3, Sư đoàn 7 bám trụ đánh quần lộn với tiểu Mỹ suốt 3 ngày tại khu vực Lò Chén, Suối Sâu xã Thuận Giao, Bình Chuẩn. Ngày 6-5-1968, một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 do đồng chí Sáu Ngọc chỉ huy, trên đường vào nội đô, đụng một tiểu đoàn Mỹ tại khu vực hầm Nhật, ấp Hòa Lân, xã Thuận Giao, đơn vị đã anh dũng chiến đấu suốt một ngày với địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên Mỹ.
Tại Dĩ An, bước vào đợt hai cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong năm 1968, Huyện ủy, Huyện đội đứng chân tại căn cứ ấp Tân Phước, xã Tân Hiệp. Trước ngày “N”, lực lượng Sư đoàn 7 bộ đội chủ lực Miền cũng dựa vào căn cứ của huyện ém quân sẵn sàng tiến công địch trong thị xã Biên Hòa và Sài Gòn. Do lực lượng đông, ăn ở đi lại của bộ đội có sơ hở, địch phát hiện được nơi đứng chân của ta. Chúng cho hai tiểu đoàn Mỹ. 30 xe tăng kết hợp chi pháo đánh phá vị trí đóng quân của ta. Lực lượng đơn vị thuộc Sư đoàn 7 phần đông anh em tân binh từ miền Bắc mới vào chưa quen chiến trường nhưng đơn vị phối hợp với lực lượng địa phương bám trụ anh dũng, chiến đấu đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên địch, bắn cháy 4 xe tăng. Địch sử dụng máy bay trực thăng vũ trang bắn phá liên tục nhiều giờ, trước khi sử dụng xe tăng, bộ binh tấn công. Bộ đội, du kích rút xuống suối Mạch Máng bám bờ suối tiếp tục chiến đấu. Cả đơn vị thuộc Sư đoàn 7, bộ đội địa phương huyện và du kích, cán bộ cơ quan Huyện ủy bị thương vong tổn thất nặng. Nữ đồng chí Năm Lan, Huyện đội phó; đồng chí Ba Tuấn, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy; Mười Đông, Bí thư Chi bộ xã Tân Hiệp… bình tĩnh chỉ huy đơn vị phối hợp với lực lượng Sư đoàn 7 kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Tại Tân Uyên, bước vào đợt 2 chiến dịch, lực lượng vũ trang huyện phối hợp với Trung đoàn 174, Sư đoàn 7 mở đợt hoạt động trên đường 16, đánh thiệt hại nặng một đại đội Úc, hai đại đội Mỹ, phá hủy 5 khẩu pháo tại Bình Cơ, Sở Hội, Đồng Chàm… Sáng 17-5-1968, đội du kích xã Bình Mỹ phối hợp với đơn vị đặc công của Phân khu do đồng chí Nguyễn Văn Lên chỉ huy đã sử dụng mìn ĐH 10, đầu pan, bố trí đón lõng bọn Mỹ thuộc tiểu đoàn Mỹ bị lực lượng Sư đoàn 7 đánh thiệt hại nặng tại Sở Hội đang trên đường rút chạy về căn cứ Cổng Xanh, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 30 tên địch.
Tại huyện Bến Cát, Dầu Tiếng (Phân khu 1), khắc phục tình hình khó khăn, ác liệt trên chiến trường, trong đợt hai, lực lượng vũ trang hai huyện tiếp tục tiến công địch trong chi khu quân sự thị trấn Bến Cát, Dầu Tiếng, đánh địch phản kích; đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh, diệt ác phá kìm, xây dựng cơ sở, chuẩn bị cả thế trận lâu dài, sẵn sàng đối phó với các âm mưu thủ đoạn mới của địch.
Trong cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các lực lượng vũ trang Phân khu 5 cũng như Bến Cát, Dầu Tiếng (Phân khu 1) đã chấp hành mệnh lệnh của Đảng vô điều kiện, nỗ lực vượt bậc, đồng đoạt tập kích vào các thị trấn, thị xã, đánh vào nội đô Sài Gòn, kết hợp phát động quần chúng nổi dậy phá kìm, bao bó, bức rút, bức hàng nhiều đồn bót, tiêu diệt, tiêu hoa nhiều sinh lực, phá hỏng, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ - ngụy. Bên cạnh đó, các lực lượng vũ trang Phân khu đã phối hợp tốt với chiến trường toàn Miền liên tục tiến công địch và giành được những thắng lợi rất quan trọng. Trên chiến trường Phân khu 5, vùng giải phóng được giữ vững, khí thế quần chúng sôi nổi, thực lực cách mạng vẫn được xây dựng và phát triển.
Các lực lượng vũ trang Phân khu 5 khi bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã được rèn luyện thử thách trong thực tế chiến đấu, trưởng thành về mọi mặt. Các đơn vị bộ đội chủ lực của Phân khu cũng như bộ đội địa phương các huyện thị, du kích xã ấp đã vận dụng nhiều cách đánh phong phú, đa dạng, sáng tạo; dựa vào căn cứ chiến đấu, sử dụng thành thạo các loại vũ khí thô sơ, tự tạo, độc đáo, sáng tạo, làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Từng trung đội, đại đội, tiểu đoàn, từng phường, xã, ấp đến từng tổ, từng người; cả bộ đội chủ lực của phân khu, bộ đội địa phương các huyện thị, đến du kích xã ấp đều dũng cảm kiên cường trong chiến đấu.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong Xuân Mậu Thân 1968 là một cuộc tập kích chiến lược vào đô thị; đánh một đòn choáng váng vào bộ tổng tham mưu Mỹ - ngụy, tiêu diệt nhiều sinh lực cả quân Mỹ và quân ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm rúng động cả Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, dẫn tới việc Mỹ phải rút quân, chịu ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Paris.
Tính chung đợt 1 và 2 (cả nội đô và trong địa bàn phân khu và huyện Dầu Tiếng, Bến Cát) ta đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên Mỹ, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, 3 đại đội bộ binh Mỹ, 7 tiểu đoàn, 9 đại đội ngụy; bắn cháy và phá hủy 60 xe tăng, xe bọc thép, làm tan rã và tê liệt bộ máy kìm kẹp một phần vùng nông thôn, làm đảo lộn thế bố trí của địch.
NHÓM P.V