Viết tiếp những kỳ tích! - Kỳ 9

Cập nhật: 10-12-2016 | 08:54:23

 Kỳ 9: Về đích trước kế hoạch

Nhờ xác định được các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể từ sớm, Bình Dương nhanh chóng bắt tay vào việc phát triển kinh tế - xã hội ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII. Kết quả cho thấy, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng mà Đảng bộ tỉnh đề ra đã hoàn thành trước kế hoạch.

 Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã xác định các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội giai đoạn 2000-2005 như: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân hàng năm 13 - 14%; thu nhập bình quân đầu người năm 2005 đạt từ 15 - 16 triệu đồng. Đến năm 2005, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng 61 - 62%, 27 - 28%, 10 - 11%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 1,5 tỷ USD; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 28 - 30%. Ngoài ra, nhiều mục tiêu khác cũng được tỉnh đặt ra ở mức cao nhằm nhanh chóng đưa Bình Dương vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển hàng đầu cả nước.

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, Bình Dương đã triển khai hàng loạt giải pháp thực hiện, nhanh chóng đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết, Bình Dương chú trọng phát triển mạnh hệ thống hạ tầng giao thông. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh đã tập trung vốn đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn. Mạng lưới đường giao thông huyện và giao thông nông thôn cũng không ngừng được nâng cấp, cải thiện. Trong khi đó, các vùng đô thị và nông thôn phía nam của tỉnh tiếp tục phát triển với tốc độ cao, bảo đảm theo hướng quy hoạch cơ bản.

Có thể nói, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, kinh tế tỉnh nhà liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch phù hợp theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP; cùng với đó thu ngân sách tăng nhanh, kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước có sự chuyển biến rõ nét. Đến cuối năm 2005, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp 62,8% - dịch vụ 29,2 - nông nghiệp 8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 16,4 triệu đồng.

Thu hút đầu tư, xuất khẩu tăng tốc

Trong những năm 2000-2005, nhờ kiên trì thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp của Bình Dương phát triển rất nhanh, đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh nhà. Bình Dương cũng trở thành địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp. Tỉnh đã phát triển thêm 9 KCN, nâng tổng số KCN trong tỉnh lên 16 với tổng diện tích trên 3.200 ha. Trong giai đoạn này, tỉnh đã thu hút 1.890 dự án trong nước với tổng số vốn đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng và 606 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 2,259 tỷ USD đầu tư vào các KCN.

Một trong những dấu ấn khác của Bình Dương trong giai đoạn phát triển này là kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng nhanh qua các năm. Đối với xuất khẩu, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 42,4%. Năm 2005, toàn tỉnh xuất khẩu 3 tỷ USD, tăng gấp 5,8 lần so với năm 2000. Thị trường xuất khẩu được mở rộng sang 150 nước, tăng 30 nước so với trước năm 2000. Về nhập khẩu, kim ngạch trong 5 năm đạt 7,8 tỷ USD, tăng bình quân 37%/năm. Nhập khẩu đã góp phần tạo thuận lợi cho các dự án trên địa bàn tỉnh sớm đi vào hoạt động, ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Trong giai đoạn 2001-2005, Bình Dương đã thu hút được hơn 16.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 705 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 2,625 tỷ USD. Bình Dương còn rất thành công khi có đến 93% số dự án và 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành sản xuất công nghiệp. Phần lớn các dự án tập trung ở các KCN trên địa bàn các huyện Thuận An, Dĩ An và Bến Cát thời điểm đó.

Chính việc sớm đạt được các mục tiêu về kinh tế đã đề ra trong giai đoạn 2000-2005 không chỉ giúp Bình Dương thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII mà còn làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Từ đây, đời sống của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh được cải thiện rõ rệt; bên cạnh đó các nguồn lực phát triển Bình Dương trong giai đoạn mới ngày càng dồi dào chính là tiền đề để tỉnh nhà tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong những năm kế tiếp.

KHÁNH VINH

Kỳ 10: Tạo sự thân thiện với nhà đầu tư

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên