Chủ động đổi mới, sáng tạo để vươn xa

Cập nhật: 28-01-2022 | 22:31:58

 Những ý tưởng mới mang tính đột phá, sáng tạo rất quan trọng trong chặng đường phát triển của doanh nghiệp (DN). Vượt khó không hẳn để cạnh tranh ngôi vị trên thương trường mà còn thể hiện và phát huy vai trò tiên phong trong xây dựng thương hiệu để vươn xa…

 Doanh nghiệp Bình Dương đổi mới sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới của người dân. Trong ảnh: Sản phẩm mới của Công ty Dược Vũ Nhật Nam giới thiệu với khách hàng tại một hội chợ được ngành công thương tỉnh tổ chức. Ảnh: THANH HỒNG

 Những ý tưởng mới

Trong suốt 2 năm qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, ngành da giày trải qua nhiều khó khăn và thách thức. Tình trạng cầu suy giảm, doanh thu bị ảnh hưởng, gánh nặng tài chính đối với các DN không phải nhỏ, vừa phải tránh bị phạt hợp đồng do giãn cách, vừa giữ chân khách hàng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, tránh biến động lao động. Với những tác động tiêu cực như vậy, ngành da giày cũng có những thay đổi nhất định để thích ứng, tìm xu hướng phát triển mới.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết giai đoạn dịch bệnh vừa qua là thời điểm khó khăn nhất mà các DN ngành da giày từng đối mặt. Song các DN đã có chiến lược đối phó khá tốt để ổn định lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài việc chủ động tiếp cận với lực lượng lao động mới, đầu tư công nghệ mới, nhiều DN trong ngành như Thái Bình Shoes, Nam Bình, Đông Hưng, Ngọc Sơn... đã dịch chuyển một số công đoạn sản xuất đơn giản tới nhà của người lao động mà không yêu cầu công nhân phải đến làm việc trực tiếp tại nhà máy, sau đó tổ chức thu gom sản phẩm về công ty tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.

Theo ông Vũ, điều quan trọng nhất góp phần vào cuộc vượt khó thành công của các DN ngành da giày Bình Dương trong năm 2021 đó chính là sự linh hoạt dịch chuyển các công đoạn bộ phận chi tiết ra bên ngoài công ty, đây là việc mà trước đây DN chưa bao giờ thực hiện. Hơn thế nữa, DN ngành da giày đã và đang hình thành “Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm” tại Bình Dương, đây là một xu thế phát triển tất yếu, là bước đi đón đầu để DN thích ứng với tình hình mới.

Là một trong những DN chủ lực, sản xuất và suất khẩu gốm sứ của tỉnh, kể từ tháng 6-2021, khi dịch bệnh dần lan mạnh ở Bình Dương, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Minh Long I có những diễn biến bất lợi. Để duy trì đà tăng trưởng, Minh Long I đã đẩy mạnh tái cấu trúc, tổ chức lại DN, đồng thời tiếp tục đột phá sáng tạo sản phẩm mới là chiếc nồi sứ dưỡng sinh với nhiều dung tích khác nhau, gây ấn tượng mạnh trên thị trường. Việc tận dụng thời gian dịch bệnh để nghiên cứu, đưa sản phẩm mới vào thực tế với những lợi ích nhất định cho sức khỏe người tiêu dùng tiếp tục mang dấu ấn tiên phong của Minh Long I trong ngành gốm sứ Bình Dương.

Đối với ngành dược, phát triển sản phẩm mới là yếu tố sống còn trong bất kỳ giai đoạn nào. Sản phẩm hôm nay phải vượt trội, hiệu quả so với sản phẩm ngày hôm trước. Chính sự đổi mới đón đầu xu hướng phát triển trên nền tảng khảo sát nhu cầu người tiêu dùng đã giúp nhãn hiệu dược Vũ Nhật Nam giữ vững thị phần trong bối cảnh dịch bệnh. Theo ông Lưu Vương Vũ, Giám đốc Công ty Dược Vũ Nhật Nam, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến bức tranh mở rộng hệ thống phân phối kinh doanh đến các tỉnh miền Tây của công ty bị ngưng trệ. Biến “nguy thành cơ”, trong giai đoạn này đơn vị dã đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phát triển dòng sản phẩm mới giúp giảm mỡ máu và viên uống trị bệnh tiểu đường. Hiện tại, bên cạnh các dòng sản phẩm hỗ trợ điều trị khác như dạ dày tá tràng, gan mật, xương khớp giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian điều trị được người tiêu dùng rất tin tưởng, sản phẩm mới này đang chứng minh tính hiệu quả trên thử nghiệm lâm sàng và sắp được giới thiệu trên thị trường.

Đổi mới, sáng tạo

Chuyển đổi số là xu hướng, xu thế tất yếu mà các quốc gia, địa phương đang quyết liệt thực hiện. Những DN kịp thời nắm bắt, linh hoạt thay đổi để thích ứng với điều kiện mới sẽ có cơ hội mở rộng thị trường và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trước. Trong khi đó, những DN chậm thay đổi sẽ bị thị trường bỏ lại phía sau và dần bị rơi vào quên lãng.

Quan sát tiến trình chuyển đổi số của cộng đồng DN trên địa bàn Bình Dương trong thời gian qua dễ dàng nhận thấy hoạt động chuyển đổi số được các DN ưu tiên thực hiện ở các khâu, như: Quản trị kinh doanh, phương thức thanh toán, marketing, bán hàng và cung cấp dịch vụ. Sự thay đổi toàn diện không chỉ giúp DN kiểm soát tốt hơn nguồn lực, mà còn giúp khuếch đại bản sắc, văn hóa DN tới đông đảo khách hàng và đối tác.

Ông Lương Ngọc Văn, Giám đốc Công ty Trường Thọ, trú đóng trên địa bàn xã An Tây, TX.Bến Cát, cho biết trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 thứ 4 bùng phát, DN của ông có 13 lao động làm việc thường xuyên. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh xảy ra khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty bị đình trệ và có nguy cơ cao bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong tình cảnh khó khăn, ông Văn đã quyết định nghiên cứu và đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất tự động. Đến nay, dù DN chỉ còn 6 lao động nhưng năng suất sản xuất của DN được tăng lên đáng kể. Ông Văn cho biết, thời gian tới công ty cũng sẽ đầu tư xây dựng hệ thống website quảng bá thương hiệu và hệ thống các kênh thương mại điện tử để tăng nhận diện thương hiệu và tương tác với khách hàng xuyên biên giới thông qua “một chạm”.

Ông Trần Bá Linh, Giám đốc Công ty TNHH Sơn mài Tư Bốn, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, cho rằng việc từng bước chuyển đổi phương thức quản trị DN từ truyền thống sang số hóa sẽ giúp các DN kịp thời nắm bắt được xu thế, xu hướng của thị trường. Theo ông Linh, từ hệ thống số internet, chủ DN sẽ dễ dàng tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh. Thông qua các kênh thương mại điện tử, DN cũng dễ dàng hơn trong việc quảng bá thương hiệu và tiếp cận khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Chính quyền sẽ đóng vai trò đồng hành và hỗ trợ cộng đồng DN trong việc tiếp cận với chuyển đổi số. Trong đó, chính quyền sẽ kết nối các đơn vị có kinh nghiệm, thế mạnh trong chuyển đổi số với những DN có nhu cầu. DN sẽ đóng vai trò chủ thể trong việc tiếp cận, ứng dụng và khai thác những công năng thần kỳ của các nền tảng số hóa. Cộng đồng DN đang đứng trước một cơ hội lớn, DN dù lớn, vừa hay nhỏ đều có cơ hội bứt phá, vươn mình ra biển lớn với “bà đỡ” công nghệ, số hóa.

THANH HỒNG - ĐÌNH THẮNG 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên